Multimedia Đọc Báo in

Nguồn lực cho Y tế học đường: Những "lỗ hổng" cần lấp đầy

09:49, 23/12/2014

Y tế trường học (YTTH) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai giáo dục truyền thông về sức khỏe ở nhà trường; phối hợp tổ chức khám sức khỏe định kỳ, sơ cứu, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh (HS). Tuy nhiên, hiện còn nhiều trường chưa có nhân viên chuyên trách y tế nên các hoạt động y tế vẫn đang bỏ ngỏ.…

Kỳ I: Thiếu cả “chất” lẫn “lượng”

Hiện nay, rất nhiều căn bệnh ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất cũng như tinh thần của HS đang “tấn công” trường học. Trong khi đó, "sức đề kháng" của y tế trường học còn yếu bởi... thiếu nhân lực, chuyên môn và phương tiện….

Một người lo cho cả nghìn học sinh

Trường THPT Buôn Ma Thuột là một trong những trường có số lượng HS đông nhất nhì TP. Buôn Ma Thuột, với trên 1.700 em. Vậy nhưng, ở  đây chỉ có 1 nhân viên y tế học đường. Bác sĩ Võ Thị Kim Yến, nhân viên y tế học đường của trường chia sẻ: “Làm công tác y tế học đường phải “bao sân” rất nhiều hoạt động, từ sơ, cấp cứu, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh theo mùa cho HS đến vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng học… Khối lượng công việc khá nhiều trong khi chỉ có một người phụ trách nên đôi khi muốn nghỉ phép, nghỉ đột xuất rất khó vì … không có ai làm thay!”. Gần 20 năm gắn bó với công việc này, bác sĩ Yến hiểu rõ HS cần gì ở mình, vì vậy hằng ngày dù bận rộn với hàng “núi” công việc, chị vẫn tranh thủ thời gian tìm hiểu thêm kiến thức về một số loại bệnh thường gặp ở trường học để tư vấn cho HS và thường xuyên trò chuyện nắm bắt tâm lý của các em, bởi chị cho rằng ở lứa tuổi dậy thì, đôi khi “tâm bệnh” mới đáng lo.

Điều dưỡng Võ Thị Hảo, nhân viên y tế Trường THCS Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) băng bó vết thương cho học sinh.
Điều dưỡng Võ Thị Hảo, nhân viên y tế Trường THCS Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) băng bó vết thương cho học sinh.

Tuy không đông HS như Trường THPT Buôn Ma Thuột, nhưng Trường Mầm non 10-3 (TP. Buôn Ma Thuột) lại đảm nhiệm cùng lúc việc nuôi, dạy và chăm sóc trên 700 trẻ. Điều này đồng nghĩa công việc của nhân viên y tế phải tăng gấp đôi, gấp ba, bởi ngoài những công việc “cố hữu” như những bậc học khác, nhân viên y tế của trường còn phải quản lý, chăm sóc sức khỏe cho trẻ; cân, đo theo dõi thể lực của trẻ, lên thực đơn dinh dưỡng phù hợp với độ tuổi, cân nặng… Thế nhưng, nhiều năm nay nhà trường không có nhân viên chuyên trách y tế, những công việc này đều do kế toán đảm nhiệm. Mỗi ngày, cô Trương Thị Hà, kế toán kiêm nhân viên y tế của nhà trường phải “xoay như chong chóng”, hết thu phiếu ăn, báo cơm cho nhà bếp, lại phân loại sức khỏe các cháu để lên kế hoạch điều chỉnh thực đơn cho trẻ suy dinh dưỡng hoặc béo phì, rồi phổ biến các hoạt động về chăm sóc sức khỏe đến giáo viên các lớp; xuống nhà bếp kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, lưu mẫu thức ăn…, khi tranh thủ được thời gian thì ngồi tính toán lên thực đơn bữa ăn cho trẻ toàn trường. Ấy là chưa kể đến những buổi tập huấn vệ sinh phòng bệnh, thực hiện các chương trình nha học đường, mắt học đường, khám sức khỏe… cô Hà phải “chủ xị”, lên kế hoạch cho toàn trường. Nói về công việc của mình, cô Hà bộc bạch: “Áp lực công việc rất lớn nhưng làm riết thành quen, nếu ai mới bắt tay vào làm sẽ không biết bắt đầu từ đâu, nếu không muốn nói là “ngợp”. Nói thực, chỉ một công tác tài chính thôi cũng đã đủ mệt mỏi rồi, huống hồ công tác y tế trường học lại có rất nhiều chương trình, hoạt động. May mắn là tôi không vướng bận gia đình, nên có nhiều thời gian giành cho công việc, đôi khi giờ hành chính làm không xuể, tôi ở lại buổi trưa, ở lại tối làm thêm, thậm chí mang việc nhà để làm. Bữa ăn sáng của tôi không bao giờ trước 9 giờ sáng, vì phải lo cho các cháu xong…”. Tình cảnh “hai trong một” không chỉ diễn ra ở Trường Mầm non 10-3 mà còn khá phổ biến ở nhiều trường học, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa. Đơn cử như Trường Mẫu giáo Cư Pui (xã Cư Pui, huyện Krông Bông), ngoài điểm trường chính tại trung tâm xã, trường còn có 12 điểm lẻ đặt tại các thôn buôn; phân hiệu xa nhất (thôn Ea Rớt) cách điểm chính 25 km, giao thông cách trở. Song, công tác chăm sóc sức khỏe cho HS tại 13 điểm trường đều do một người phụ trách. Đã vậy, nhân viên y tế còn phải kiêm nhiệm cả công tác văn phòng. Theo điều dưỡng Nguyễn Thị Vân Anh, cán bộ y tế kiêm văn thư của trường thì: “Cả văn thư và y tế đều là những công việc đòi hỏi nhiều thời gian, trong khi chỉ riêng chuyện đi lại giữa các điểm trường cũng đủ ngốn hết quỹ thời gian trong ngày, ấy là chưa kể những ngày mưa gió, đi lại khó khăn. Do đó, để thực hiện được các hoạt động y tế trong nhà trường, tôi phải nhờ đến sự phối hợp của giáo viên và phụ huynh HS, như vậy đương nhiên hiệu quả công việc không được như mong muốn”.

Học sinh Trường THPT Buôn Ma Thuột tìm hiểu thông tin về bệnh học đường  tại góc thông tin y tế của nhà trường.
Học sinh Trường THPT Buôn Ma Thuột tìm hiểu thông tin về bệnh học đường tại góc thông tin y tế của nhà trường.

Nhiều trường “trắng” phòng y tế

Không chỉ thiếu nhân lực, hiện nay, nhiều trường học trên địa bàn còn thiếu cả phòng y tế. Thông tư liên tịch số 18/2011/TTLT-BGDDT-BYT, ngày 28-4-2011 của Bộ Giáo dục-Đào tạo và Bộ Y tế quy định các trường phải có phòng y tế bảo đảm diện tích từ 12 m2 trở lên, được bố trí ở vị trí thuận lợi cho công tác sơ, cấp cứu ban đầu; có tủ thuốc trang bị các loại thuốc thiết yếu; có sổ sách quản lý, kiểm tra và đối chiếu xuất, nhập thuốc theo quy định; có các trang thiết bị chuyên môn cơ bản phục vụ công tác sơ, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HS; bảo đảm ít nhất một giường khám bệnh và lưu bệnh nhân để theo dõi; đồng thời phải có bàn, ghế, tủ, thiết bị làm việc thông thường khác. Tuy nhiên, tại nhiều trường học trên địa bàn, quy định này dường như “bỏ quên”. Dẫn chứng như Trường Mẫu giáo Cư Pui, một trường nằm ở vùng sâu, vùng xa, lẽ ra phải được đầu tư phòng y tế theo đúng quy định để đáp ứng yêu cầu, nhất là khi có trẻ ốm đau bất thường, song đến thời điểm này trường vẫn chưa có phòng y tế riêng biệt mà ghép chung với phòng hành chính. Về trang thiết bị y tế, tuy trang bị được các dụng cụ y tế tối thiểu như dụng cụ đo huyết áp, bộ dụng cụ rửa vết thương, nhưng vì ghép chung phòng nên không có giường lưu bệnh, tủ thuốc thiết yếu thì chỉ có vài loại thuốc thông thường. Hay như Trường THCS Ea Tu, một trường nằm ở xã vùng ven TP. Buôn Ma Thuột, mặc dù đã thành lập 14 năm nhưng đến năm học 2013-2014 mới được bố trí phòng y tế riêng biệt với một số trang thiết bị, giường bệnh theo quy định. Tuy nhiên, tủ thuốc vẫn chưa bảo đảm được số lượng thuốc theo danh mục thuốc thiết yếu dùng trong y tế học đường. 

Qua tìm hiểu được biết, không chỉ có 2 trường học nói trên mà rất nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh trong tình trạng phòng y tế vừa “thiếu”, vừa “yếu”, không đạt chuẩn theo quy định, thậm chí là không có phòng y tế. Có lẽ do chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của y tế học đường nên nhiều trường vẫn ghép chung phòng y tế với các phòng chuyên môn khác, do đó vai trò của nhân viên y tế trường học cũng mờ nhạt theo. Vì vậy, các hoạt động y tế trường học ở đây chỉ dừng lại ở việc lau rửa, băng bó vết thương khi không may có tai nạn thương tích xảy ra, hoặc chỉ “rộ lên” khi có văn bản chỉ đạo của cấp trên về tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Còn những vấn đề khác như vệ sinh môi trường, vệ sinh lớp học, vệ sinh an toàn thực phẩm... thì hầu như còn bỏ ngỏ.  

 (Còn nữa)

Kim Oanh – Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


Chung tay Vì người nghèo - để không ai bị bỏ lại phía sau
“Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là khẩu hiệu mà đã và đang được tỉnh Đắk Lắk - địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao thực hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực.