Thực hiện các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do: Vẫn còn nhiều khó khăn
Trong những năm qua, tình trạng dân di cư tự do ồ ạt đến Dak Lak đã đặt tỉnh đứng trước nhiệm vụ nặng nề: quy hoạch, bố trí, sắp xếp ổn định các vùng dân di cư tự do nhằm giúp người dân sớm có cuộc sống ổn định, ngăn chặn tình trạng phá rừng làm nương rẫy. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do hiện gặp rất nhiều khó khăn, chưa đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra...
Mong ổn định cuộc sống
Ba cụm dân cư 8, 9, 10 là khu vực được quy hoạch dành để bố trí nơi ở cho 535 hộ dân các dân tộc Mông, Dao, Sán Chỉ… di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc đang sống rải rác tại các thôn 13, 14, 15 và 16 trên địa bàn xã Cư Kbang (huyện Ea Súp) từ năm 2008 đến nay. Huyện Ea Súp đã tiến hành chia đất thổ cư cho 380 hộ (1.921 khẩu) với diện tích 500m2/hộ tại 3 cụm dân cư này (vẫn còn 155 hộ chưa được cấp đất ở, phải dựng nhà ở nhờ trên đất của người thân), đồng thời đã triển khai hỗ trợ di dời cho 172 hộ với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ; trong đó đã có hơn 300 hộ đã làm nhà trên vị trí đất được giao. Tuy nhiên, hiện nay các hộ dân ở các cụm dân cư nói trên vẫn đang phải sống trong tình trạng không điện, không nước sinh hoạt và chưa có đất sản xuất.
Gia đình anh Mã Văn Chang, cụm dân cư 10, xã Cư Kbang (huyện Ea Súp) đang khoan giếng để lấy nước sử dụng. |
Di cư vào Dak Lak từ năm 2008, trước đây vợ chồng chị Vàng Thị Minh tạm trú tại thôn 13, xã Cư Kbang. Đầu năm 2014, gia đình chị chuyển về cụm dân cư 10, xã Cư Kbang theo Dự án điều chỉnh, mở rộng dự án phát triển kinh tế-xã hội xã Cư Kbang. Dù đã được cấp 500m2 đất ở và được hỗ trợ tiền xây nhà song cuộc sống của gia đình chị Minh vẫn gặp rất nhiều khó khăn vì tình trạng không điện, không nước. Chị Minh tâm sự: “Trước đây, chúng tôi toàn phải đi xin nước để dùng, có khi phải mua với giá 1.000 đồng/can. Sau đó, 2-3 hộ góp tiền lại để khoan giếng dùng chung; để có điện thắp sáng, cũng vài hộ góp tiền lại rồi kéo điện nhờ từ các tiệm tạp hóa và phải trả tiền điện giá cao. Nhà tôi chỉ có một bóng điện với 1 cái ti vi mà mỗi tháng tốn hơn 100.000 đồng tiền điện”. Tuy nhiên, điều mà đa số các hộ dân ở ba cụm dân cư 8, 9, 10 mong hơn cả là có đất để sản xuất. Nhiều hộ phải đi thuê ruộng rẫy để trồng lúa, trỉa bắp song do việc sản xuất vẫn còn bấp bênh nên nhiều vụ thu chẳng đủ bù chi. Ông Trần Văn Long, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Ea Súp cho biết: “Quỹ đất ở tại vùng quy hoạch đang bị một số hộ dân bao chiếm, huyện đang hoàn tất thủ tục để xử lý theo quy định, dự kiến sẽ bố trí đất ở cho 155 hộ xong trong năm 2014. Đất sản xuất chưa thể cấp được bởi nguồn quỹ đất vẫn chưa được chuyển đổi từ đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp dù hiện tại khu vực này không còn rừng. Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất là do nguồn vốn đầu tư cho dự án còn hạn chế, chưa kịp thời nên việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng quy hoạch không theo kịp kế hoạch đề ra”.
Không chỉ ở Cư Kbang, ở nhiều vùng dự án dân di cư tự do khác trên địa bàn tỉnh, người dân cũng đang mong mỏi được bố trí nhu cầu cần thiết để ổn định cuộc sống.
Còn nhiều khó khăn
Tính đến tháng 10-2014, tỉnh Dak Lak đã xây dựng 17 dự án bố trí ổn định dân di cư tự do tại các huyện, trong đó 15 dự án đã được phê duyệt với quy mô ổn định cho 6.527 hộ và 32.635 khẩu, tổng kinh phí đầu tư là hơn 811,4 tỷ đồng (trong đó vốn Trung ương hơn 546,7 tỷ đồng và địa phương là hơn 264,7 tỷ đồng). Tuy nhiên, đến nay mới có 11 dự án được triển khai và chưa có dự án nào hoàn thành đồng bộ và kết thúc.
Gia đình chị Sùng Thị Chu, cụm dân cư 10, xã Cư Kbang (huyện Ea Súp) hiện vẫn chưa được cấp đất ở, phải dựng nhà ở nhờ trên miếng đất của người anh. |
Do nguồn kinh phí đầu tư quá ít và không đồng bộ so với nhu cầu thực tế nên hầu hết các dự án này mới chỉ đầu tư một số công trình tại các điểm nóng, bức xúc trong vùng dự án, tập trung ở những điểm dân cư có liên quan đến đất rừng như xã Cư Drăm (huyện Krông Bông), xã Cư M’lan, Cư Kbang (huyện Ea Súp), xã Cư Króa, Ea M’Doal (huyện M’Drak)... Nhìn chung, các công trình được xây dựng đã đáp ứng được một phần nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân; song do nhu cầu đầu tư phát triển ổn định đời sống và phát triển sản xuất ở các vùng dự án rất lớn mà việc cân đối bố trí vốn để thực hiện rất thấp nên nhiều vùng dự án đến nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo quy mô được phê duyệt, tổng mức đầu tư đối với 11 dự án đã và đang triển khai là gần 450,3 tỷ đồng, song đến nay mới bố trí đầu tư hơn 181,6 tỷ đồng, bằng 40% tổng vốn đã phê duyệt (chưa kể yếu tố trượt giá). Hầu hết các dự án quy hoạch đầu tư bố trí dân cư của tỉnh chủ yếu ở địa bàn các xã biên giới, đặc biệt khó khăn, vùng thiên tai (ngập lụt), điều kiện sản xuất không thuận lợi, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và ổn định đời sống của người dân còn sơ sài, đòi hỏi suất đầu tư để bố trí ổn định dân cư rất cao, nhất là đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi nhỏ, nước sinh hoạt, điện chiếu sáng, trường học... với nhu cầu vốn bình quân từ 90-100 tỷ đồng/năm; tuy nhiên, trên thực tế đầu tư trong 8 năm qua (2006-2014) mới ở mức bình quân hơn 30 tỷ đồng/năm.
Một bất cập nữa trong quá trình triển khai các dự án là công tác quản lý địa bàn quy hoạch không chặt chẽ và thiếu kiên quyết, có nơi buông lỏng để tình trạng dân di cư tự phát vẫn tiếp tục đến (hiện nay đồng bào di cư theo hình thức đi thăm người thân rồi ở lại) khiến việc thực hiện mục tiêu, quy hoạch dự án bị phá vỡ, công tác quy hoạch luôn biến động theo chiều hướng tăng về quy mô dân số, đất đai... Nhiều dự án phải điều chỉnh về quy mô dân số, kéo theo điều chỉnh về mức vốn đầu tư và thời gian thực hiện. Công tác quản lý đất đai từ khâu quy hoạch đến quản lý sử dụng quỹ đất ở nhiều địa bàn còn yếu kém đã tạo điều kiện cho người dân từ nơi khác di cư tự do đến phá rừng làm nương rẫy hoặc buôn bán, sang nhượng đất đai trái phép một thời gian dài mới phát hiện giải quyết.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến 2020, bình quân mỗi năm cần bố trí, sắp xếp ổn định cho hơn 1.000 hộ dân (thuộc các đối tượng dân di cư tự do, dân vùng thiên tai ngập lụt và dân cư vùng biên giới) với nhu cầu vốn bình quân 150-200 tỷ đồng/năm (trong đó ngân sách Trung ương cần đầu tư 100-150 tỷ đồng/năm). Riêng trong năm 2015, tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị Trung ương hỗ trợ nguồn vốn hơn 212,8 tỷ đồng để thực hiện các dự án ổn định dân cư (trong đó các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do là 155 tỷ đồng).
Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc