Multimedia Đọc Báo in

"Chìa khóa" giảm nghèo cho phụ nữ nông thôn

15:18, 01/12/2014

Sau hơn 2 năm thành lập, mô hình tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn của Hội Phụ nữ xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) đã có những đóng góp tích cực trong phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo ở địa phương.

Tham gia vào mô hình tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn của thôn từ những ngày đầu tiên (tháng 5-2012), đến nay bà Lê Thị Sửu (thôn 14, xã Ea Kiết) vẫn luôn là một trong những người tích cực nhất, bởi nhờ có việc làm thường xuyên mà kinh tế gia đình bà đã từng bước cải thiện. Bà Sửu chia sẻ: “Những năm trước đây, gia đình tôi cả 8 miệng ăn chỉ trông chờ vào 5 sào cà phê cằn cỗi. Ít đất sản xuất lại không có nghề nghiệp nên đời sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Thấy nhiều hộ trong thôn cũng có hoàn cảnh như mình nên tôi và một số chị em trong chi hội phụ nữ thôn cùng bàn bạc rồi mạnh dạn thành lập “Tổ làm công” nhằm tập hợp, tạo việc làm cho những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình không có hoặc ít đất sản xuất tham gia làm công để tăng thêm thu nhập. Ban đầu các chị em trong tổ tự kiếm công việc rồi liên hệ với nhau cùng đi làm. Sau này bầu ra tổ trưởng, các tổ trưởng có trách nhiệm trực tiếp đi liên hệ với những hộ gia đình có nhu cầu thuê nhân công để giới thiệu cho tổ viên. Mỗi tổ viên sẽ lựa chọn những công việc phù hợp với sức khỏe như làm cỏ, làm cành, đào bồn, phun thuốc cỏ, tưới cà phê, phụ hồ…”. Sau hơn 2 năm hoạt động, "Tổ làm công" ở thôn 14 đã phát huy tác dụng rõ rệt trong việc giúp gia đình các chị em có hoàn cảnh khó khăn từng bước ổn định cuộc sống. Kinh tế gia đình được cải thiện từ khi tham gia vào “Tổ làm công”, bà Phan Thị Vinh (ở thôn 14) phấn khởi: “Mỗi tháng được chị em gọi đi làm khoảng 20 ngày, tiền công trung bình 130-150 nghìn đồng/ngày giúp gia đình tôi có thêm tiền để trang trải chi phí sinh hoạt và lo cho con cái học hành”. Cũng giống bà Vinh, chị Nguyễn Thị Thơ đăng ký tham gia vào “Tổ làm công” của chi hội phụ nữ thôn 1 ngay từ khi mới thành lập. Chị Thơ hào hứng kể: “Đang vào mùa thu hoạch cà phê, 2 tháng nay tôi chưa có ngày nào nghỉ. Đi làm theo tổ toàn những chị em thân thiết, vừa làm vừa nói chuyện, chia sẻ với nhau, tuy mệt nhưng vui lắm, việc nhiều thì lại có thêm thu nhập nên ai cũng hăng hái”.
Bà Lê Thị Sửu hái cà phê cho hộ gia đình ở thôn 14.
Bà Lê Thị Sửu hái cà phê cho hộ gia đình ở thôn 14.

Từ thành công ở thôn 14, đến thời điểm này, mô hình tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn đã được nhân rộng tại 3 thôn khác trên địa bàn xã Ea Kiết, gồm: thôn 1, thôn 4 và thôn 11. Ở mỗi thôn, mô hình đều mang lại hiệu quả thiết thực, vừa giúp giải quyết khó khăn trước mắt vừa tạo cơ hội cho hội viên hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, bởi khi tham gia mỗi thành viên sẽ trích lại từ 10% - 20% số tiền công để tạo quỹ giúp các chị em có hoàn cảnh khó khăn vay không lấy lãi đầu tư sản xuất. Là hội viên vươn lên thoát nghèo nhờ sự giúp đỡ của các chị em trong "Tổ làm công”, chị Lê Thị Liên (thôn 4) tâm sự: “Chi hội phụ nữ thôn biết gia đình tôi có hoàn cảnh khó khăn

nên giới thiệu vào "Tổ làm công", ưu tiên cho làm những công việc có tính thường xuyên, tiền công cao và hùn vốn cho vay 8 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi. Nhờ những khoản thu nhập này, gia đình tôi không chỉ ổn định cuộc sống mà còn dành dụm mua thêm đất để canh tác”.

Có thể thấy, mô hình tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn của Hội Phụ nữ xã Ea Kiết không chỉ tạo điều kiện cho nhiều hội viên có nguồn thu nhập cải thiện cuộc sống mà còn giúp cho chị em ngày càng gắn kết, biết chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Kiết cho biết: “Mô hình tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn được triển khai từ thôn 14 và được hội viên hưởng ứng tích cực. Đến nay, mô hình đã được xây dựng ở 4 thôn với 16 tổ, tạo việc làm thường xuyên cho 118 chị em, trong đó có 21 chị đã vươn lên thoát nghèo. Để phát huy những kết quả này, trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ nâng cao đời sống cho mỗi hội viên”.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.