Multimedia Đọc Báo in

Tuổi trẻ huyện Lak nỗ lực xóa đói giảm nghèo

20:33, 14/12/2014
Lak là một huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh với tổng diện tích tự nhiên 125.605 ha, dân số hơn 63.000 người gồm 14 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 63% dân số toàn huyện.
 
Nền kinh tế chủ yếu trên địa bàn là sản xuất nông nghiệp, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 25,33%. Trong những năm qua, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện, nhất là lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) đã có những đóng góp đáng kể vào sự chuyển mình đầy hứa hẹn của địa phương, đặc biệt là trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Chị Sao Hương, Bí thư Huyện Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) huyện Lak cho biết: “Toàn huyện hiện có hơn 21.200 thanh niên, trong đó có 7.590 hội viên sinh hoạt ở 124 chi hội thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn. Những năm qua, Hội LHTN huyện đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt 2 Chương trình và 3 Cuộc vận động lớn của Trung ương Hội LHTN Việt Nam cho hàng nghìn ĐVTN trên địa bàn huyện. Đặc biệt Cuộc vận động “Thanh niên lập thân, lập nghiệp, vượt khó, làm giàu chính đáng” đã thu hút được đông đảo lực lượng thanh niên tham gia”. Từ năm 2009 đến nay, Hội LHTN huyện đã phối hợp với các cơ quan ban ngành, đoàn thể tổ chức 24 lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 4.000 lượt hội viên tham gia và tổ chức 3 hội chợ tư vấn việc làm giải quyết việc làm và tư vấn nghề nghiệp cho hơn 1.200 hội viên. Bên cạnh đó, Hội LHTN huyện cũng luôn chú trọng việc xây dựng, duy trì và phát triển các câu lạc bộ khuyến nông nhằm nhân rộng các mô hình trang trại trẻ, các gương điển hình làm kinh tế giỏi; hướng dẫn các tổ chức cơ sở Hội thực hiện các phong trào góp vốn, góp công, liên kết xây dựng các mô hình, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả…

ĐVTN phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ huyện Lak khám bệnh miễn phí cho bà con xã Ea R’bin.
ĐVTN phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ huyện Lak khám bệnh miễn phí cho bà con xã Ea R’bin.

Hộ anh Y Ber Du (SN 1986) ở buôn Triêk, xã Dak Nuê là một ví dụ điển hình về làm kinh tế giỏi. Không chỉ là một ủy viên Ban Thường vụ Đoàn xã luôn xông xáo trong các hoạt động xã hội mà anh còn là một tấm gương về vượt khó, vươn lên làm giàu. Sinh ra trong một gia đình khó khăn, quanh năm gắn bó với nương rẫy, từ khi còn là học sinh THPT, Y Ber Du luôn ấp ủ ý tưởng gây dựng mô hình kết hợp vườn-ao-chuồng một cách quy mô. Tháng 6 năm 2012, anh vay 20 triệu đồng từ Quỹ Khởi nghiệp, cộng thêm vốn vay mượn từ bạn bè, người thân được gần 100 triệu đồng để đầu tư trồng mới 2 ha cà phê, 0,8 ha lúa nước và đào ao thả cá. Ngoài ra, anh còn cải tạo lại 5 sào vườn tạp trồng tre lấy măng, sầu riêng, xoài, bơ... Nhờ chuyển đổi giống cây trồng hợp lý, gia đình anh đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đến nay với hơn 3,2 ha cà phê, vườn cây ăn quả và sản xuất lúa mỗi năm mang lại cho gia đình anh thu nhập trên 100 triệu đồng. Học theo tấm gương của Y Ber Du, nhiều ĐVTN trong xã Dak Nuê như gia đình anh Y Liêm Sil (buôn Dhăm II), gia đình chị H’Dek Phôk (buôn Dơn) đã áp dụng hiệu quả mô hình phát triển kinh tế gia đình, mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm nhờ trồng cà phê và nuôi bò sinh sản. Anh Y Ber Du tâm sự: “Muốn ĐVTN nghe và làm theo thì trước hết cán bộ Đoàn phải làm hiệu quả trước thì họ mới tin, khi đã tạo được lòng tin rồi thì vận động việc gì cũng dễ”. Hay như gia đình anh Huỳnh Thanh Tuân (SN 1986) ở thôn Hòa Thắng, thị trấn Liên Sơn, cũng là một tấm gương về xóa đói giảm nghèo cho ĐVTN noi theo. Sau khi tốt nghiệp THPT, do điều kiện gia đình khó khăn nên anh Tuân đã xuống TP. Hồ Chí Minh làm công nhân rồi đi học nghề sửa xe gắn máy. Sau khi ra nghề, anh về huyện Lak vay mượn tiền của người thân rồi thuê địa điểm để mở quán sửa xe. Với bản tính cần cù, chịu khó cộng với tay nghề cao nên chỉ một thời gian sau, anh đã mua được đất mở tiệm và làm nhà khang trang, mua sắm tiện nghi đầy đủ. Hằng năm thu nhập từ nghề sửa xe gắn máy mang về cho gia đình anh hơn 100 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 lao động tại địa phương với mức lương khoảng 2,5 triệu đồng/ người/ tháng.

Ngoài việc chuyển giao, áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi cho ĐVTN, Hội LHTN huyện thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân vốn vay phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh cho các hội viên. Tính đến thời điểm hiện nay, Đoàn Thanh niên các xã, thị trấn đã nhận ủy thác cho 45 tổ, hơn 2.300 hộ ĐVTN vay với số tiền hơn 32 tỷ đồng để đầu tư các mô hình phát triển kinh tế. Gia đình chị H’Diệp Hlong, Bí thư chi đoàn ở buôn Knăk (xã Buôn Triết) là một điển hình sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. Nhà chị H’Diệp có 3 ha đất nông nghiệp gần đập nước lớn Buôn Triết, thuận lợi cho việc canh tác lúa nước. Tuy nhiên do thiếu vốn và chưa tham gia tập huấn khoa học kỹ thuật nên năng suất lúa mỗi vụ chỉ đạt mức 3-5 tạ/sào. Sau khi được tín chấp vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, với quyết tâm không để đói nghèo đeo bám, chị đã tích cực tham gia tập huấn, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, nhờ vậy năng suất lúa đã nâng lên 8 tạ/sào. Từ đó cuộc sống gia đình thoát nghèo và ngày một khấm khá. Có vốn, chị đầu tư mua thêm đất trồng cà phê và chăn nuôi bò nên mỗi năm mang lại thu nhập cho gia đình chị trên 120 triệu đồng. Với mong muốn giúp đỡ những hộ thanh niên khác cùng thoát nghèo, chị đã cho 4 hộ thanh niên vay vốn với số tiền 40 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất và các gia đình này cũng đã thoát nghèo…

Chị Sao Hương, Bí thư Huyện Đoàn phấn khởi chia sẻ: Được sự quan tâm sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự hỗ trợ của các ban, ngành, công tác tổ chức của Hội từng bước được xây dựng và củng cố. Các chương trình hành động được triển khai phù hợp… đã tạo điều kiện thuận lợi để ĐVTN trong huyện thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

 Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.