Multimedia Đọc Báo in

Cảm ơn lớp học... vắng người

13:03, 25/01/2015
Vượt qua khó khăn, thử thách, cuối cùng tình yêu của chàng sĩ quan trẻ Y Blách Rơ Chăm và cô giáo miền xuôi xứ Quảng cũng đơm hoa kết trái. Đôi “trai tài, gái sắc” đã cùng nhau viết nên thiên tình sử đầy lãng mạn, yêu thương nơi biên thùy.

Là người con của xã Cư Pơng (huyện Krông Buk), tốt nghiệp THPT, chàng trai Êđê Y Blách Rơ Chăm tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự. Sau đó, anh thi đỗ vào Học viện Biên phòng (Hà Nội). Qua 15 năm nhận công tác ở vùng biên giới của 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp với nhiều cương vị khác nhau, giờ đây Thiếu tá Y Blách Rơ Chăm (Chính trị viên Đồn Biên phòng Yok M’Bre) đã là ông bố của 2 thiên thần nhỏ. Thiếu tá Y Blách xúc động nhớ lại: “Để có được mái ấm hôm nay, vợ mình đã không ngừng vun đắp, chăm lo. Nhờ khoảng thời gian nhận nhiệm vụ Đội trưởng Đội vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Sêrêpôk) đã giúp mình tìm được người bạn đời tâm đầu ý hợp…”.

Thiếu tá  Y Blách  Rơ Chăm (thứ 3,  từ trái qua) rất tự hào khi  nhắc đến  vợ con.
Thiếu tá Y Blách Rơ Chăm (thứ 3, từ trái qua) rất tự hào khi nhắc đến vợ con.

Thời điểm ấy, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Hồng Hoa (quê Quảng Nam) vừa tốt nghiệp đại học, ngành sư phạm đã tình nguyện lên vùng biên giới Drăng Phôk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) dạy học. Ngày đó, buôn Drăng Phôk có một lớp học gồm cả người già, người trẻ cùng tham gia. Còn Y Blách sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tây Nguyên, am tường ngôn ngữ cũng như phong tục tập quán người dân địa phương nên khá thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ vận động quần chúng. Hơn thế, Y Blách còn được đồng đội tín nhiệm, tin tưởng bởi mọi tình huống, công việc anh đều giải quyết ổn thỏa, hợp lòng bà con. Những lần xuống địa bàn công tác, anh thường ghé lại Trường Tiểu học Y Jut để nắm bắt tình hình, thăm hỏi sức khỏe, việc dạy và học của giáo viên, học sinh. Và không biết từ lúc nào, ánh mắt, nụ cười của cô giáo miền xuôi đã làm xao xuyến trái tim chàng sĩ quan trẻ …

Trong một lần ghé thăm trường học, thấy cô giáo Hồng Hoa ôm mặt khóc, gặng hỏi mới biết lớp hôm ấy vắng tênh. Thấy vậy, Đội trưởng Đội vận động quần chúng lặng lẽ đi tìm hiểu và vận động bà con quay lại lớp. “May mà vận động được lớp học, chứ không chắc cô ấy cũng ngó lơ mình luôn. Nhìn cô ấy vui, mình cũng vui lây, cũng từ lần đó, cô ấy mới bắt đầu để tâm hơn đến mình. Nhưng khổ nỗi, mình nhút nhát nên chẳng dám tỏ tình, chỉ cần cô ấy cười là mình đã ngại ngùng rồi” – Thiếu tá Y Blách hóm hỉnh nhớ lại.

Nhận thấy “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” của đôi bạn trẻ, các đồng nghiệp của cô Hồng Hoa không ngừng tạo điều kiện và vun đắp tình cảm cho hai người. Tình yêu của hai người cứ thế lớn dần, mãnh liệt, ấm áp như ngọn lửa đêm hội. Nhưng khi biết chuyện, gia đình hai bên đều phản đối. Đặc biệt, bố mẹ Hồng Hoa phản đối quyết liệt nhất, vì lo sợ cô con út sẽ khổ cực, vất vả…

Tuy không được sự đồng thuận của gia đình, nhưng cả hai vẫn quyết tâm đến với nhau. Với bản lĩnh của người lính biên phòng, chuyên làm công tác vận động quần chúng, Y Blách đã bàn với người yêu sắm xe máy, cùng băng đèo, lội suối, vượt hàng trăm kilômét đường trường để về Quảng Nam thuyết phục gia đình. Những ngày ở “quê ngoại”, Y Blách bị “quây” bởi hàng trăm chất vấn của bố mẹ, anh chị em, nhưng chàng sĩ quan trẻ vẫn rất bình tĩnh, trả lời lễ phép và rành mạch. Cuối cùng, “quần chúng” cũng ưng bụng và đồng ý cho đôi bạn trẻ nên duyên vợ chồng.

Cuối năm 2005, một lễ cưới đơn sơ nhưng ấm áp đã được tổ chức trong sự chứng kiến của họ hàng nội ngoại và đồng nghiệp cơ quan. Hạnh phúc như nhân đôi khi 2 thiên thần nhỏ Rơ Chăm Trúc Linh (đang học lớp 2) và Rơ Chăm Khánh Thư (học mầm non) của anh chị ngày càng lớn khôn, học giỏi. Hằng ngày cô giáo Hồng Hoa phải gửi con nhỏ nhờ người thân chăm sóc để vượt hơn 40 km tới trường dạy học. Còn Thiếu tá Y Blách Rơ Chăm vì nhiệm vụ nên cuối tuần, có khi cả tháng mới có thời gian tranh thủ về thăm vợ con, nhưng tình cảm gia đình luôn đong đầy hạnh phúc. Dẫu khó khăn vất vả còn nhiều, nhưng tình yêu đã giúp anh luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, được cấp trên ghi nhận, khen thưởng. Vợ anh, cô giáo Hồng Hoa nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp trường.

 Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.