Ea Kar trọn nghĩa vẹn tình với người có công
Thực hiện phong trào "Đền ơn đáp nghĩa”, những năm qua, các cấp, ngành và người dân trên địa bàn huyện Ea Kar đã nỗ lực chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công bằng những hành động thiết thực. Những hoạt động trọn nghĩa vẹn tình ấy đã góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách có công.
Chồng mất sớm, hơn 20 năm nay, bà Phạm Thị Phận (chị dâu của liệt sĩ Đặng Văn Lợi) một mình gồng gánh nuôi các con, đến khi già yếu thì sống chung với gia đình anh Đặng Văn Đủ (con trai út) ở thôn 6B, xã Ea Pal. Gia cảnh của anh cũng khó khăn, hai vợ chồng không có việc làm ổn định, 3 sào cà phê năm được, năm mất nên phải tranh thủ làm thuê để nuôi mẹ già và lo cho 2 con ăn học. Căn nhà gỗ cũ, chật chội đã xuống cấp, xập xệ từ lâu nhưng chưa có điều kiện sửa chữa lại. Năm 2014, gia đình bà được hỗ trợ 50 triệu đồng từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của huyện và từ nguồn kinh phí theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở”, gia đình đóng góp thêm 10 triệu đồng xây dựng căn nhà tình nghĩa khang trang, rộng 50 m2. Bà Phận bộc bạch: “Thời gian qua, gia đình tôi đã nhận được nhiều sự quan tâm, động viên của các cấp chính quyền, đoàn thể nhưng việc hỗ trợ xây dựng ngôi nhà này là niềm vui không gì diễn tả được. Năm nay được đón Tết trong căn nhà tình nghĩa, tôi thực sự cảm thấy ấm lòng và cũng yên tâm hơn khi tuổi đã xế chiều”.
Cán bộ LĐ-TBXH các cấp chia sẻ niềm vui với gia đình bà Phạm Thị Phận trong căn nhà mới. |
Chuyển vào Dak Lak định cư từ năm 1989, thương binh, bệnh binh Ngô Khắc Tô, ở thôn 13 (xã Ea Pal) cũng khởi nghiệp với nghề nông nhưng vì sức yếu, ông chỉ làm được những việc nhẹ, còn lại đều do một tay vợ lo liệu. Đất sản xuất ít, lại đông con nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, trong khi chi phí học tập, sinh hoạt ngày càng nhiều. Mỗi lần nhận được giấy báo trúng tuyển đại học, cao đẳng của các con, ông vừa mừng, vừa lo không biết lấy đâu ra tiền cho chúng ăn học. “Nếu không có nguồn vốn tín dụng học sinh, sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội thì có lẽ vợ chồng tôi không đủ lực lo cho các con. Đến nay, 3 cháu đã tốt nghiệp đại học, 1 cháu đang học cao đẳng năm cuối. Mình không có của cải cho con nhưng nhờ chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên đã lo được cho chúng cái chữ, mai này tự thân lập nghiệp”, ông Tô chia sẻ.
Toàn huyện Ea Kar hiện có trên 3.500 đối tượng chính sách có công, trong đó có 1.200 trường hợp hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng. Để giải quyết chính xác, kịp thời những tồn đọng sau chiến tranh, UBND huyện đã kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng từ huyện đến cơ sở, xây dựng kế hoạch thực hiện và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương xuống tận thôn, buôn hướng dẫn người dân lập hồ sơ kê khai. Đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thành việc xác nhận, giải quyết cho 1.495 đối tượng được hưởng các chế độ ưu đãi. Đồng thời, cơ quan chức năng tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thực hiện chính sách đối với người có công; tập trung rà soát các gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo, phân tích cụ thể hoàn cảnh, nguyên nhân để có kế hoạch và biện pháp hỗ trợ phù hợp… Bên cạnh đó, huyện đã tập trung tuyên truyền sâu rộng các chính sách ưu đãi có công, xã hội hóa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2013 - 2014, toàn huyện huy động được trên 2 tỷ đồng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”.
Từ nguồn quỹ trên và sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, đóng góp của gia đình, huyện đã hỗ trợ xây dựng 111 căn nhà cho đối tượng chính sách có công với tổng kinh phí trên 7,4 tỷ đồng; sửa chữa, tôn tạo lại Nghĩa trang liệt sĩ huyện; tổ chức cho các đối tượng có công đi an dưỡng tại Nha Trang; thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách nhân dịp lễ, Tết… Ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) huyện cho biết: Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thời gian qua, các cấp, ngành, đoàn thể, chính quyền trên địa bàn huyện tập trung chăm lo các đối tượng chính sách như cải tạo nhà ở, hỗ trợ vốn vay, trợ cấp cây, con giống... nên đã cơ bản giúp họ ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn huyện vẫn còn 16 gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo, 15 hộ cận nghèo. Huyện đã vận động các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, trường học đóng chân trên địa bàn giúp các hộ này bằng cách hướng dẫn làm kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, liên kết đào tạo nghề, hỗ trợ giống chăn nuôi, buôn bán nhỏ... nhằm đưa mức sống của các đối tượng bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân địa phương.
Có thể nói, sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ trên tuy chưa nhiều, chưa thể bù đắp những hy sinh, mất mát của các gia đình chính sách, người có công nhưng đã giúp các đối tượng cảm thấy ấm lòng, có thêm động lực vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc