Gian khổ lắm, hạnh phúc nhiều
Có lẽ hiếm có nghề nào đi nhiều như phóng viên, nhà báo. Do đặc thù nghề nghiệp, tôi phải đi nhiều nơi, nhất là cơ sở để thâm nhập thực tế, thu thập tư liệu, nắm bắt các nguồn thông tin để làm nên sản phẩm báo chí. Phóng viên có thể lặn lội lên rừng sâu, về các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; có thể cùng ăn, cùng ở, cùng sống với đồng bào địa phương để có những cứ liệu sống động cho từng bài viết. Việc đi lại cũng vất vả không kém, nhiều khi phải đi bộ hàng chục cây số, trèo đèo, lội suối mới tới nơi mình cần đến. Khi đã có đầy đủ tư liệu trong tay, người viết bắt đầu phải suy nghĩ, phải đắn đo từng con chữ, từng câu từ để có được một tác phẩm báo chí có sức lan tỏa rộng và gây được ấn tượng sâu sắc đối với bạn đọc. Một bài báo phản ánh một cách trung thực, đầy đủ những gì đã diễn ra, đang diễn ra và dự báo được sự việc, vấn đề sẽ diễn ra theo chiều hướng nào. Trong thực tế, có những chủ trương, chính sách khi ban hành thì rất đúng, mục tiêu đề ra rõ ràng nhưng khi triển khai thực hiện ở cơ sở thì gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập, chưa hợp lý, rất cần nhà báo viết bài phản ánh trung thực, đúng thực tế, hoặc có những bài viết phản biện để các cơ quan thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế. Vất vả, khó khăn đấy, nhưng cũng rất hạnh phúc khi qua những bài viết của mình, nhiều vấn đề xã hội đã được giải quyết thỏa đáng, nhiều hoàn cảnh khó khăn đã nhận được sự chia sẻ của cộng đồng khiến công việc làm báo càng trở nên ý nghĩa với tôi.
Phóng viên Báo Dak Lak trong một lần tác nghiệp tại huyện Lak. |
Gắn bó với nghề báo, không thiếu sự khổ cực, vất vả, nhưng được đi nhiều nơi, có mối quan hệ xã hội rộng rãi và hiểu biết nhiều thứ. May mắn là trong quá trình tác nghiệp, tôi luôn nhận được sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp ở các địa phương. Những Phan Tuân (Đài Truyền thanh – Truyền hình Krông Bông), Thế Hào (Đài Truyền thanh – Truyền hình Krông Ana), Vũ Trang (Đài Truyền thanh – Truyền hình Ea Súp), cô Minh Nhật (cộng tác viên ở huyện Buôn Đôn)… đã giúp tôi rất nhiều lần trong việc có thông tin cũng như thâm nhập thực tế, góp phần tạo nên những tác phẩm báo chí chất lượng. Để rồi từ đó, những cô bé H’Loai Niê (buôn Dur 1, xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana) hay cô Nguyễn Thị Hà (giáo viên Trường THPT Hùng Vương, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana)… đã được cộng đồng giúp đỡ vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Với từng trang viết, nhà báo thể hiện quan điểm của mình về từng sự kiện trong đời sống. Được nói, được nghĩ, được viết, được thể hiện - đó phải chăng là một vinh quang riêng có của những người làm báo. Và chính vinh quang ấy vừa là một động lực giúp tôi tiến lên trong nghề, vừa giúp tôi có thể giải tỏa rất nhiều những sự chất chứa, dằn vặt về những vấn đề trong cuộc sống. Sau 5 năm gắn bó, với tôi nghề báo là đam mê, nhưng nghề báo cũng là cám dỗ; nghề báo là vinh quang nhưng nghề báo cũng vô cùng khốc liệt. Bởi vậy, có người từng ví nghề báo, ở một góc độ nào đấy chẳng khác gì một cái lò lửa rèn luyện bản lĩnh, trí tuệ con người. Sống trong lò lửa ấy và không bị lò lửa ấy thiêu cháy mình - đó là khát vọng mà bất cứ nhà báo chân chính nào cũng hướng tới và cũng quyết thực hiện bằng mọi giá…
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc