Multimedia Đọc Báo in

Khi nhà báo là những cây bút nữ

10:33, 14/01/2015
"Là phụ nữ sao em lại chọn nghề báo?”, hay “ Nghề “phu chữ” cực lắm, con gái sao em không chọn nghề nào khác cho bớt nhọc nhằn?”, đó là những câu hỏi mà tôi đã được nghe rất nhiều trong suốt gần 10 năm bước chân vào nghề báo.
 
Dường như theo góc nhìn phổ biến thì nghề báo không phải và không nên là “lãnh địa” của phụ nữ bởi khi dấn thân, phụ nữ sẽ phải hy sinh rất nhiều và cũng cần rất nhiều sự hy sinh khó nói hết thành lời.

Với đặc trưng nghề nghiệp là đi nhiều, va chạm không ít và đầy rủi ro, nghề báo là một chọn lựa thách thức cả với nam giới chứ chưa nói nữ giới. Để có thể gắn bó và thành công với công việc đầy vất vả, chông gai này đối với phụ nữ, ngoài việc giữ được ngọn lửa đam mê, tình yêu nghề nghiệp còn là sự nỗ lực vượt bậc. Còn nhớ chuyến công tác cách đây 9 năm, ngày mới chập chững bước vào nghề, tôi được giao nhiệm vụ đi dự và đưa tin về lễ cúng bến nước của một buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Thức dậy và đi từ 5 giờ sáng, nhưng khi đến nơi, hỏi người dân thì mới biết, ở đây không hề diễn ra sự kiện nào như thế. Thì ra tôi đã nhầm lẫn, thay vì đi buôn Trấp, xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar thì tôi lại đến buôn Trấp của huyện Krông Ana. Thế là tôi lại tức tốc quay lại ngược về hướng Cư M’gar. Ngày ấy, đường vào xã Ea H’đing vô cùng khó khăn. Khi còn cách buôn khoảng chừng 5 km, xe lại bị thủng săm, phải dắt bộ gần 2 cây số tôi mới tìm được điểm sửa chữa xe máy. Khi đến nơi đã gần 11 giờ, may sao lễ cúng vẫn chưa bắt đầu. Về đến TP. Buôn Ma Thuột khi trời vừa sẩm tối, niềm vui hoàn thành công việc đã nhanh chóng giúp tôi xua tan những vất vả, mệt nhọc của một ngày hết sức “đen đủi” của mình. Và niềm vui lớn nhất của những người mới vào nghề như tôi ngày ấy thật đơn giản, đó là bài viết mình được đăng và được mọi người động viên khích lệ “viết được lắm!”. Có lẽ không riêng gì tôi, những ai làm phóng viên, nhất là đối với nữ phóng viên, quá trình tác nghiệp còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, “ngày đen đủi” như tôi chia sẻ cũng chỉ là bình thường thôi!

Phóng viên nữ Báo Dak Lak tác nghiệp tại tòa soạn.
Phóng viên nữ Báo Dak Lak tác nghiệp tại tòa soạn.

Vào nghề từ năm 2004, tròn 10 năm công tác, từ phóng viên, biên tập viên, giờ chị là Phó trưởng Phòng Thư ký - Xuất bản của Báo Dak Lak, ở vai trò vị trí nào chị cũng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Lúc còn là một phóng viên, chị là cây bút sắc sảo trong nhiều lĩnh vực. Mỗi bài viết của chị đều để lại những ấn tượng khó quên trong lòng độc giả, và bút danh Đàm Thuần nhiều khi còn là sự nhầm lẫn thú vị, bởi độc giả cứ lầm tưởng chị là… đàn ông. Có lẽ không chỉ đơn thuần xuất phát từ cái tên nam tính mà trong mỗi bài viết của chị đều cho thấy sự “gai góc” mà không phải phụ nữ nào làm báo cũng thể hiện được. Còn khi với vai trò của Phó trưởng Phòng Thư ký - Xuất bản, chị lại đối mặt trước áp lực  mới: đó là có những hôm phải trực báo đến gần 9 - 10 giờ tối, căng mắt ra đọc bản thảo, hay là những khi báo đã lên khuôn nhưng vẫn “lấn cấn” một vài chi tiết, lại chong mắt lên, huy động mọi nơ-ron thần kinh để kiểm tra. Thế mới thấy công việc của biên tập viên làm công tác xuất bản không hề nhàn rỗi mà trái lại vất vả, áp lực như bất kỳ một phóng viên nào.

Với nam giới làm báo khi còn độc thân xem ra vất vả hơn lúc đã có gia đình, nhưng phụ nữ thì dường như ngược lại. Lập gia đình, rồi sinh con và thế là hàng trăm thứ việc không tên của người vợ, người mẹ càng khiến công việc làm báo của người phụ nữ vốn đã chịu nhiều áp lực trở nên khó khăn, vất vả bội phần. Đó là trách nhiệm của người mẹ, người vợ, người con dâu trong gia đình với bao nhiêu thứ việc khó có thể kể hết buộc họ phải chu toàn. Phóng viên Hoàng Tuyết được mọi người biết đến là cây bút xông xáo trong lĩnh vực giao thông. Để hoàn thành nhiệm vụ tòa soạn giao, bản thân chị phải nỗ lực rất nhiều, bởi chồng là bộ đội nên không thường xuyên gần gũi và san sẻ những công việc gia đình, cho nên mọi việc nhà, dạy dỗ con cái đều một tay chị chèo chống. Chị tâm sự, nhiều hôm chở con đến trường, cô con gái bé bỏng luôn dặn: “Mẹ nhớ đón con sớm nhé!”, nhưng mong ước nhỏ nhoi đó của con, chị cũng ít khi làm được, khi thì nhờ anh em, đồng nghiệp, khi thì nhờ chị hàng xóm đón hộ. Khi mới vào nghề, đã có những lúc chị nghĩ đến chuyện tìm một công việc khác, ít áp lực hơn nhưng nghề báo đã trở thành duyên nợ nên lại đi, lại viết, lại đam mê để sống hết mình với nghề.

Không như một số ngành nghề khác, nghề báo không hề có sự ưu tiên hay “chiếu cố” nào dành cho phái nữ. Để săn tìm thông tin, hầu như những nơi nào mà các chàng phóng viên đặt chân đến thì ở đó các phóng viên nữ cũng có mặt. Vì thế, nhiều năm qua, các cây bút nữ của Báo Dak Lak mà tên tuổi đã trở thành thân quen với độc giả gần xa như: Kim Oanh, Hồng Thủy, Nguyên Hoa, Nguyễn Xuân… cũng thường xuyên trèo đèo, lội suối, băng rừng, vượt thác đâu có khác gì các đấng nam nhi của tòa soạn!

Sau khi kết thúc một ngày làm việc, nam giới có thể giải tỏa mọi căng thẳng bằng cách chơi thể thao hay bù khú với bạn bè nhưng với phụ nữ, nhất là phụ nữ làm báo thì gần như không thể. Lúc nào họ cũng cảm thấy thiếu hụt về quỹ thời gian, nên bao giờ cũng ước một ngày dài hơn 24 tiếng. Rồi những lúc con ốm đau mà công việc lại bắt buộc phải hoàn thành đúng thời hạn khiến chị em phóng viên phải quay như chong chóng, nhất là những dịp lễ, Tết. Áp lực công việc khiến có lúc nhiều chị em cảm thấy như muốn “hụt hơi” nếu không có đủ bản lĩnh và nghị lực để vượt qua thử thách. Làm phóng viên hay biên tập viên, ở vị trí nào, cánh nhà báo nữ cũng phải luôn cố gắng hết mình, miệt mài làm việc còn là vì niềm tin của độc giả. Thế mới thấu hiểu, phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã khó, phụ nữ làm báo “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” lại càng khó khăn hơn.

Chẳng thể nào nói hết được muôn vàn vất vả, gian nan của phụ nữ làm báo. Để gắn bó, cống hiến hết mình cho công việc, thì ngoài lòng say nghề và tâm huyết với nghề nghiệp, họ rất cần sự cảm thông, “tiếp lửa” từ phía gia đình. Như những gì mà cánh chị em làm báo vẫn chia sẻ với nhau, gia đình là điểm tựa vững chắc, còn công việc là nơi để được thể hiện là chính mình, để được ký thác những nghĩ suy, trăn trở qua từng bài báo thấm đẫm công sức và tình yêu nghề nghiệp. Với phụ nữ, nhất là phụ nữ làm báo để được dấn thân trên con đường đầy gian truân, khổ nhọc và thách thức này họ càng cần hơn sự đồng cảm, chia sẻ từ phía người bạn đời, gia đình và cả xã hội…

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.