Multimedia Đọc Báo in

Nồng thắm tình đoàn kết

14:49, 04/01/2015

Không dừng lại ở chương trình kết nghĩa giữa các đơn vị, cá nhân với buôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), huyện Cư M’gar còn tổ chức “buôn kết nghĩa với buôn”,“hộ Kinh kết nghĩa với hộ DTTS”. Cách làm mới này góp phần nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào, giữ vững an ninh trật tự buôn làng.

Như cây một cội...

Đều đặn vào mỗi buổi chiều sau giờ đi làm đồng về, thanh niên hai buôn Bling (xã Ea Kpan) và H’Đing (xã Cư Dlêi M’nông) tổ chức giao lưu bóng chuyền. Nhìn lũ thanh niên thi đấu thể thao hết mình trong sự reo hò cổ vũ của đông đảo bà con hai buôn, già làng buôn Bling Y H’lim Kdoh ưng cái bụng lắm! Già làng Y H’lim kể: “Lâu nay, hai buôn vẫn xem nhau là anh em, thường xuyên qua lại với nhau. Nhiều con gái buôn Bling bắt chồng ở buôn H’Đing, con trai buôn Bling sang ở rể buôn H’Đing. Nhưng do một xích mích nhỏ của thanh niên hai buôn trong một lần uống rượu, lời qua tiếng lại, đã hiểu lầm nhau. Từ hôm ấy, thanh niên buôn này thường kéo sang buôn kia gây gổ, đánh nhau. Con suối Ea Hnuếch - ranh giới giữa hai buôn thành điểm “phục kích” của lũ thanh niên. Có hôm, bọn chúng còn tự chế “bom xăng”, gậy gộc tổ chức đánh nhau, may mà một vài bà con đã thông tin cho ban tự quản buôn nên đã ngăn chặn kịp thời”. Sự việc nghiêm trọng, cấp ủy, ban tự quản buôn Bling và buôn H’Đing đã đưa một vài thanh niên có hành vi gấy rối trật tự ra kiểm điểm trước dân. Bà Huỳnh Thị Thúy Vân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ea Kpan cho biết thêm: “Thấy tình hình an ninh trật tự buôn những năm 2011-2012 khá căng thẳng, ngoài cử đội công tác vận động quần chúng về nắm tình hình, Huyện ủy đã chỉ đạo Khối đoàn thể 2 xã Ea K’pan và Cư Dliê M’nông tổ chức lễ kết nghĩa hai buôn nhằm tranh thủ những người có uy tín, già làng giáo dục truyền thống đoàn kết, nói về nguồn gốc của 2 buôn cho lớp trẻ hiểu, không gây mất đoàn kết nữa”.

Qua sự giáo dục của gia đình, cộng đồng, đặc biệt là phân tích có tình có lý của già làng, thanh niên hai buôn thấy được đúng, sai của mỗi bên. Các già làng còn khuyên răn lớp trẻ không vì thiếu hiểu biết, nóng tính dẫn đến vi phạm pháp luật. Từ chỗ mâu thuẫn căng thẳng, thanh niên hai buôn đã cùng nhau uống chung một chóe rượu cần, kết chặt tình anh em trước sự chứng kiến của thần linh, chính quyền địa phương, cộng đồng buôn làng. Ông Y Suếc K’Doh, buôn trưởng buôn H’Đing vui mừng nói: “Giờ đây đã có thể ngủ yên giấc, không còn nhấp nhổm lo lắng lũ thanh niên tìm nhau gây gổ nữa. Tình trạng nẹt pô xe máy vào lúc nửa đêm hay mất trộm vặt theo đó cũng giảm đi. Thanh niên trong buôn lo làm ăn hơn, không tụ tập ăn nhậu nữa”. Còn với buôn trưởng buôn Bling Y Vô Kdoh. “Đã là anh em một nhà thì không nề hà chuyện gì. Chuyện lớn, chuyện nhỏ của buôn H’Đing cũng là chuyện của buôn Bling. Hễ nhà nào có đám cưới, tân gia, hay đám ma, mọi người lại sang chia vui, giúp đỡ. Về lâu dài, ngoài thường xuyên giữ mối liên hệ, kịp thời nắm bắt, trao đổi thông tin, cấp ủy, ban tự quản 2 buôn sẽ ngồi lại với nhau, trao đổi kinh nghiệm trồng cà phê, trồng hồ tiêu, khôi phục, lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc…

Từ ngày kết nghĩa, tình cảm hai buôn làng bền chặt Cấp ủy, ban tự quản buôn Ling và H’Đing gặp gỡ trao đổi,  nắm bắt thông tin với nhau.
Từ ngày kết nghĩa, tình cảm hai buôn làng bền chặt 

 Như con một nhà...     

Vài tuần một lần, ông Hoàng Nghĩa Chính, Chủ tịch UBND xã Ea Kpan (tên thường gọi là Ama Nguyên) lại vào buôn Bling để thăm gia đình bố mẹ nuôi, thăm bà con hàng xóm. Với anh Chính, buôn Bling và gia đình bố mẹ nuôi từ lâu đã là “gia đình thứ 2” của mình. Trước đây, khi còn làm Bí thư Chi bộ buôn Bling, anh Chính đã “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con. Quý mến người cán bộ tận tụy với buôn làng, năm 2003 hai vợ chồng ông Ksor - nguyên là giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh (xã Ea Kpan) đã nhận anh làm con nuôi. Ông Ksor tự hào khoe: “Mình có 9 đứa con, Ama Nguyên (tên thường gọi của anh Chính) là trưởng nam của gia đình. Nó thương vợ chồng mình lắm. Ngày lễ, ngày Tết đều đến thăm hỏi, tặng quà bố, mẹ nuôi. Khi mình ốm đau nó đều vào thăm. Chuyện lớn, chuyện nhỏ trong nhà mình đều hỏi ý kiến của nó”. Đáp lại tình cảm của bố mẹ nuôi cũng như bà con buôn Bling, anh Chính “xắn tay” làm nhiều việc giúp bà con thay đổi “cách nghĩ, cách làm”. Còn nhớ, ngày Ama Nguyên được phân công vào buôn phụ trách công tác Đảng, nhiều bà con vẫn còn dùng tay tuốt lúa. Nhìn đôi bàn tay thô ráp, sưng phồng vì tuốt lúa của các bà, các chị, không nói không rằng, Ama Nguyên lấy xe máy chạy vội về nhà chở một chiếc thùng phuy ra thẳng cánh đồng, nắm một bó lúa đập vào chiếc thùng. Từng hạt thóc theo đó bung ra trong sự ngỡ ngàng của bà con, chẳng mấy chốc đã đầy một gùi. Thấy vậy, nhiều người cùng xúm vào đập thử, thấy hiệu quả hơn cách làm cũ nên áp dụng luôn từ đó. “Một đám ruộng nhưng có hơn hai chục người tuốt và phải mất vài ngày mới thu hoạch xong. Còn đập lúa bằng chiếc thùng phuy thì chỉ cần một nửa nhân công và nửa thời gian trên”, Ama Nguyên nhớ lại. Chưa hết, Ama Nguyên còn ra tận vườn cà phê hướng dẫn bà con cải tạo cà phê già cỗi, tưới nước, bón phân hợp lý để tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo vệ tài nguyên nước. 

Cấp ủy, ban tự quản buôn Ling và H’Đing gặp gỡ trao đổi, nắm bắt thông tin với nhau.
Cấp ủy, ban tự quản buôn Ling và H’Đing gặp gỡ trao đổi, nắm bắt thông tin với nhau.

Nhờ vậy, năng suất cà phê - cây trồng chủ lực của buôn Bling từ chưa đến 1 tấn/ha nâng lên 3 tấn/ha. Ama Nguyên còn “rỉ tai” bố mẹ nuôi làm chuồng trại chăn nuôi cách xa nơi ở, không gây ô nhiễm môi trường. Bằng tình cảm và trách nhiệm, Ama Nguyên thường xuyên gần gũi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như khó khăn của từng hộ trong buôn để có cách hỗ trợ thiết thực nhất. Với những gia đình kinh tế khó khăn, anh sẵn sàng cho mượn tiền không tính lãi mua dầu tưới cà phê, mua cây, con giống phát triển sản xuất; những gia đình chưa quan tâm đến chuyện học hành của con cái, Ama Nguyên động viên, khuyên nhủ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho con đến trường. Nhờ vậy nhiều hộ trong buôn đã biết tiết kiệm, chí thú làm ăn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phấn đấu thoát nghèo. Đến cuối năm 2014 qua rà soát, buôn Bling - buôn duy nhất của xã Ea Kpan chỉ còn 31 hộ nghèo (chiếm 2,28%) - thấp nhất huyện và 38 hộ cận nghèo (chiếm 1,74%). Với  bà con buôn Bling, Ama Nguyên chẳng khác nào già làng, nhưng với Ama Nguyên thì những gì mình làm cho bà con còn ít ỏi lắm...

“Công tác kết nghĩa giữa buôn đồng bào DTTS, giữa hộ người Kinh với hộ DTTS đã thực sự phát huy hiệu quả. Qua kết nghĩa tình cảm buôn làng thắt chặt, bền vững; trình độ, nhận thức của bà con các dân tộc thiểu số tại chỗ được nâng lên rõ rệt, nhất là việc tiếp cận các thông tin khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng gia đình ấm no, buôn làng ngày càng phát triển. Với đặc thù của địa phương có gần 83 nghìn đồng bào DTTS (chiếm 47,37% dân số), trong đó DTTS tại chỗ trên 65 nghìn nghìn người ở 75 buôn, huyện sẽ nhân rộng mô hình kết nghĩa giữa buôn với buôn, giữa gia đình với gia đình nhằm giúp đỡ đồng bào vươn lên thoát nghèo, tạo niềm tin, gắn bó giữa Đảng với dân”, bà Trần Thị Loan, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Cư M’gar khẳng định.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.