Chăm sóc trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Cần sự vào cuộc từ nhiều phía
Bên cạnh những trẻ em được sinh ra có cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy thì vẫn còn hàng nghìn trẻ kém may mắn, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị khuyết tật, mồ côi, phải lao động sớm… Để các em được chăm sóc, giáo dục, phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần rất cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng.
Chia sẻ khó khăn
Toàn tỉnh hiện có trên 9.700 trẻ em mồ côi, 10.700 trẻ em khuyết tật, 320 trẻ em bị nhiễm chất độc da cam, 280 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, chưa kể số phát sinh hằng năm…. Bên cạnh đó còn có rất nhiều trẻ em bị bỏ rơi, phải lao động sớm, lang thang, bị ngược đãi, nghiện hút, vi phạm pháp luật, bị xâm hại tình dục và nhiều trẻ em có hoàn cảnh nghèo khó. Mỗi em đều gặp những khó khăn riêng và rất cần sự chia sẻ, thương yêu, chăm sóc của gia đình và cộng đồng. Thời gian qua, các cơ quan bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong tỉnh như Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi và Hội Chữ thập đỏ các cấp… đã phối hợp tổ chức thực hiện nhiều hoạt động thiết thực bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí hàng tỷ đồng. Việc thăm hỏi, tặng quà vào các ngày Tết, lễ, hỗ trợ xây dựng nhà ở, tặng học bổng, xe lăn, xe đạp… là sự động viên về vật chất và tinh thần rất lớn, giúp các em và gia đình vơi bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Cháu Hoàng Nguyễn Quốc Khánh sau khi được phẫu thuật tim. |
Sau khi mẹ qua đời vào năm 2010 do bị tai nạn giao thông, hai anh em Trần Quốc Toàn (sinh năm 2000) và Trần Thị Thu Hương (sinh năm 2004) ở thôn 11 xã Ea Riêng (huyện M’Drak) chỉ còn mỗi sự yêu thương, chăm sóc của bố. Nhưng chỉ 1 năm sau đó, người bố thân yêu, gần gũi của các em cũng qua đời vì bị đột quỵ, 2 chị em trở thành trẻ mồ côi, chỉ biết nương tựa vào người bác ruột là chị Trần Thị Thiện. Khổ nỗi, gia đình chị Thiện cũng thuộc diện hộ nghèo, chồng chết sớm, mình chị nuôi 3 đứa con, trong đó người con út bị bệnh tim, thường xuyên đau ốm. Gia đình 6 người sinh sống trong căn nhà chật hẹp, rộng chừng 30 m2, đã xuống cấp, mục nát. Trước hoàn cảnh khó khăn đó, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã hỗ trợ 40 triệu đồng, UBND huyện và xã hỗ trợ thêm 7 triệu đồng xây dựng căn nhà cấp 4 rộng 32 m2, được bàn giao, đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, giúp các em đón năm mới ấm áp, trọn vẹn niềm vui trong tình yêu thương, sự quan tâm, sẻ chia của mọi người.
Ngay sau khi chào đời, cháu Hoàng Nguyễn Quốc Khánh (sinh năm 2006) con trai anh Hoàng Văn Đinh (dân tộc Tày) ở thôn 4 (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) bị bệnh vàng da nặng, hở hàm ếch, thường xuyên đau ốm, chậm lớn nên gia đình đã đưa đi khám ở bệnh viện tuyến trên và phát hiện em bị bệnh thông liên nhĩ bẩm sinh, nếu phẫu thuật cần kinh phí 70-80 triệu đồng. Nhưng vì gia cảnh nghèo khó, hai vợ chồng đành đưa cháu về nhà tự chăm sóc. Đến năm 2013, cháu Khánh được Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh hỗ trợ phẫu thuật tim với tổng chi phí 76 triệu đồng, đồng thời được phẫu thuật hàm ếch. Chỉ 3 tháng sau phẫu thuật, sức khỏe của cháu hồi phục nhanh chóng, da dẻ hồng hào, tăng thêm 2 kg cân nặng. “Cũng nhờ sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh mà con tôi đã có cơ hội được đến trường như bao trẻ em khác”, anh Đinh bộc bạch.
Đại diện Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh và đơn vị tài trợ trò chuyện cùng gia đình em Trần Quốc Toàn trong căn nhà mới được hỗ trợ xây dựng cuối năm 2014. |
Cần sự cộng đồng trách nhiệm
Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã dành nhiều sự quan tâm, chăm lo đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trường hợp của các em kể trên chỉ là số ít trong hàng nghìn lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được giúp đỡ, hỗ trợ dưới nhiều hình thức. Để có thêm nguồn lực hỗ trợ trẻ em khuyết tật, mồ côi, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã tích cực vận động các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ tiền và hiện vật, riêng năm 2014, được 7 tỷ đồng. Từ số tiền này, Quỹ đã tổ chức thăm và tặng hàng nghìn phần quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhân các dịp lễ, Tết; trao 553 suất học bổng cho học sinh con gia đình chính sách, trẻ em khuyết tật, mồ côi, nghèo hiếu học; hỗ trợ xây dựng 4 căn nhà tình thương; tổ chức khám sàng lọc cho 800 trẻ em bị bệnh tim, đưa 55 trẻ đi phẫu thuật tim bẩm sinh tại Bệnh viện Nhi Đồng II, thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Quỹ còn tổ chức trao tặng trang thiết bị vui chơi ngoài trời, xây dựng trường mẫu giáo cho trẻ em vùng sâu, vùng xa vùng biên giới…
Bên cạnh Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, từ khi thành lập năm 2010 đến nay, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh cũng đã trở thành “cầu nối yêu thương” đưa những tấm lòng thiện nguyện của các tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh đến với những người khuyết tật nghèo và trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh. Từ tổng số tiền và hiện vật vận động được trị giá gần 3,5 tỷ đồng, Hội đã tặng 516 suất học bổng, 174 chiếc xe đạp, cấp 110 chiếc xe lăn, xe lắc, khung tập đi cho học sinh nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi; hỗ trợ gia đình người khuyết tật, trẻ mồ côi nghèo 428 con giống vật nuôi… Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ, các đơn vị, địa phương cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như tổ chức khám chữa bệnh, hỗ trợ xây dựng nhà ở, chăm sóc trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, hỗ trợ phẫu thuật, phục hồi chức năng, thăm hỏi, tặng quà… cho trẻ em khuyết tật, mồi côi.
Ông Nguyễn Quang Trường, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định, các hoạt động thiết thực trên đã giúp hàng nghìn lượt trẻ em vượt qua khó khăn, bệnh tật, hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, số lượng trẻ em được giúp đỡ, hưởng lợi từ các chương trình, dự án chưa nhiều so với tổng số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vì vậy, rất cần sự cộng đồng trách nhiệm của cả cộng đồng để xây dựng một xã hội phù hợp với trẻ em, giúp các em phát triển toàn diện.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc