Nâng cao vai trò Hội LHPN qua việc liên kết đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn
Đóng vai trò là “cầu nối” trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn, Hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh đang từng bước nỗ lực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ chị em đã qua đào tạo vận dụng kiến thức đã học vào thực tế để cải thiện đời sống, phát triển kinh tế gia đình, từng bước khẳng định vị trí trong xã hội.
Tháng 10-2014, 35 hội viên phụ nữ xã Bình Thuận (thị xã Buôn Hồ) được tham gia lớp dạy nghề trồng nấm do Hội Phụ nữ xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề thị xã Buôn Hồ tổ chức. Sau 3 tháng học kiến thức kỹ thuật và thực hành trồng các loại nấm như nấm sò, linh chi, nấm mèo (mộc nhĩ)… đã cho sản phẩm đạt chất lượng lại được giá khi bán ra thị trường. Không chỉ áp dụng trên mô hình thực hành, sau khi nắm được kiến thức về khoa học kỹ thuật, nhiều chị em đã đầu tư xây dựng nhiều mô hình trồng nấm tại gia đình cho thu nhập ổn định. Điển hình như chị Trần Thị Tuyết (thôn Bình Thành 2), sau khi tham gia lớp dạy nghề và được cấp bằng sơ cấp, có kiến thức, chị mạnh dạn vay vốn để đầu tư làm trang trại trồng nấm. Với diện tích gần 500 m2 chị xây dựng 3 lán trồng nấm với 2 loại chủ lực là nấm sò và nấm mèo. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, chị Tuyết thu hoach đợt nấm sò đầu tiên được 3 tạ và bán với giá 15.000 đồng/kg. Hiện tại, với 6.000 bao nấm mèo sắp cho thu hoạch, với giá hiện tại trên thị trường 85.000 đồng/kg, chị Tuyết có thể thu về gần 50 triệu đồng. Chị Tuyết tâm sự: “Trước đây, khi đọc báo, xem tivi, thấy nhiều mô hình trồng nấm cho hiệu quả kinh tế cao tôi ham lắm nhưng không dám thực hiện. Được tham gia lớp dạy nghề, khi nắm được các kiến thức cũng như kỹ thuật tôi mới biết thực ra nấm rất dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư lại thấp, ít sâu bệnh mà đầu ra lại thuận lợi.
Cũng nhờ có trang trại nấm này mà gia đình có việc làm thường xuyên, tạo được nguồn thu nhập ổn định, cải thiện kinh tế. Hiện tại, tôi đang thử nghiệm trồng thêm nấm linh chi bởi đây là loại nấm có giá cao và ổn định trên thị trường. Nếu nấm sinh trưởng và phát triển tốt như hiện nay thì cứ 1.000 bao phôi nấm linh chi sẽ cho khoảng 20 kg nấm khô với giá từ 800.000 đồng - 1 triệu đồng/kg”. Cũng giống như chị Tuyết, chị Lê Thị Nguyệt (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) nhờ được tham gia lớp may dân dụng do Hội Phụ nữ xã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện Buôn Đôn tổ chức và được vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mà chị có cơ hội mở tiệm may tại nhà. Chị Nguyệt phấn khởi: “Nhà ít đất canh tác, lại không có nghề nghiệp gì trong tay nên trước đây tôi thường chỉ đi làm công để kiếm thêm thu nhập. Công việc bấp bênh lắm, chủ yếu vào mùa vụ mới có, còn những ngày nông nhàn thì hầu như chơi không vì chẳng biết làm gì. Từ khi được tham gia lớp may dân dụng, tôi phấn khởi lắm, cố gắng chăm chỉ học thật tốt để kiếm lấy cái nghề. Khi mới học ra, vì chưa có kinh nghiệm nên tôi cũng chỉ nhận sửa quần áo thôi. Lâu dần vững tay nghề, lại được vay vốn mới mạnh dạn mở tiệm. Cũng nhờ được chị em quanh đây tin tưởng đến đặt may khá đông nên tiệm mới duy trì được đến ngày hôm nay. Giờ có việc ổn định, vừa tăng thêm thu nhập cải thiện cuộc sống lại có điều kiện lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn nên gia đình ai cũng vui mừng”.
Chị Trần Thị Tuyết bên mô hình trồng nấm mèo sắp cho thu hoạch. |
Có thể thấy, việc lựa chọn đào tạo các ngành nghề phù hợp với nhu cầu của hội viên cùng việc hỗ trợ sau đào tạo đã giúp chị em áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế một cách hiệu quả và trở thành hướng đi đúng đắn trong công tác đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn. Tính riêng trong năm 2014, các cấp Hội trong toàn tỉnh đã phối hợp tổ chức tư vấn việc làm và đào tạo nghề cho hơn 2.700 lao động nữ, sau đào tạo có trên 2.300 chị em có việc làm. Bà Nguyễn Thị Lộc, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Những năm qua, Hội LHPN tỉnh luôn xác định đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn là việc làm trọng tâm và xuyên suốt. Trong đó, Tỉnh Hội chỉ đạo các Hội cơ sở tập trung đẩy mạnh công tác liên kết đào tạo các nghề phù hợp và đặc biệt chú trọng các biện pháp hỗ trợ tạo việc làm sau đào tạo để phụ nữ có cơ hội áp dụng kiến thức đã học vào thực tế. Trong thời gian tới Hội sẽ tiếp tục tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, giúp cho cán bộ, hội viên thấy được tầm quan trọng của việc học nghề, đồng thời phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề tại cơ sở phù hợp với nhu cầu của lao động nữ nông thôn, hướng đến đào tạo những công việc mà chị em có thể làm tại nhà và phù hợp với nhu cầu của địa phương”.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc