Multimedia Đọc Báo in

Vất vả thu gom rác Tết

08:29, 09/03/2015
Lượng rác thải trong dịp Tết tăng đột biến so với ngày thường khiến công nhân vệ sinh môi trường phải làm việc suốt ngày đêm để bảo đảm TP. Buôn Ma Thuột luôn sạch, đẹp.

Năm nay, chợ hoa Tết ế ẩm nên khối lượng công việc của công nhân vệ sinh môi trường cũng tăng lên nhiều so với mọi năm. Ngay trong đêm Giao thừa Tết Nguyên đán 2015, Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và Môi trường đã huy động 116 cán bộ, công nhân tham gia công tác thu dọn vệ sinh tại khu vực bắn pháo hoa và chợ hoa. Tuy bắt đầu làm việc từ 22 giờ nhưng tới 7 giờ 30 sáng mồng Một Tết, nhân viên công ty mới hoàn thành công việc. Tổng khối lượng rác thu gom trong sáng mùng Một Tết là 238,3 tấn, tăng 82 tấn so với cùng thời điểm năm 2014.

Công nhân vệ sinh môi trường thu gom rác sau Tết  (Ảnh chụp lúc 22 giờ ngày mùng 6 Tết Ất Mùi trên đường Điện Biên Phủ).
Công nhân vệ sinh môi trường thu gom rác sau Tết (Ảnh chụp lúc 22 giờ ngày mùng 6 Tết Ất Mùi trên đường Điện Biên Phủ).

Nhiều công nhân thu gom rác cho biết, trước và sau Tết vất vả nhất là tình trạng một số người dân thiếu ý thức đem cây cảnh, hoa chưng Tết vứt tràn lan ra đường. Cô Lê Hường (thuộc Xí nghiệp vệ sinh môi trường), công nhân thu gom rác ca đêm tâm sự: “Từ đêm Giao thừa đến nay, lượng rác thải vẫn còn tăng cao so với ngày thường, nhiều nhất là các loại thực phẩm ôi thiu, bánh kẹo, chậu hoa cảnh… Có đêm chị em phải mang theo đồ ăn khuya để có sức hoàn thành công việc. Giá mà người dân nào cũng có ý thức gom rác một chỗ thì công việc dọn vệ sinh thuận lợi, chứ nhiều hộ gia đình vứt tràn lan bên lề đường khiến chúng tôi mất nhiều thời gian thu gom lắm”. Chị Hoàng Hiền, tổ làm ca chiều 3, vừa quét dọn rác trên đường Mai Hắc Đế, vừa chia sẻ: “Hồi đầu mới làm việc, chúng tôi không chịu nổi mùi hôi của rác thải, nhiều lúc nôn thốc nôn tháo, đêm về bưng bát cơm ăn là cứ mường tượng đến mùi rác, nhưng giờ thì quen rồi. Thường những ngày Tết, bà con vứt thực phẩm ôi, thiu nhiều lắm, dù đã có khẩu trang bảo vệ nhưng vẫn khó tránh được mùi hôi, thối. Tuy vậy, công việc của chúng tôi là gom rác, giữ gìn môi trường nên dù có vất vả mấy đi nữa, cũng phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”.

Theo số liệu thống kê của Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và Môi trường, chỉ riêng từ ngày 29 đến mùng Một Tết, lượng rác thải trên địa bàn thành phố tăng đột biến với khoảng 1.157 tấn, tăng khoảng 223 tấn so với cùng thời điểm của năm 2014. Đặc biệt trong ngày 30 Tết, Công ty đã và thu gom khoảng 520,5 tấn, tăng khoảng 94 tấn so với Giao thừa năm trước.

Bên cạnh đó, lượng nước thải cũng tăng cao so với cùng thời điểm Tết Giáp Ngọ 2014, cụ thể từ ngày 29 đến mùng 3 Tết là 12.960 m3, tăng 309 m3; trung bình mỗi ngày công ty xử lý khoảng 4.320 m3 nước thải… Thời gian trước Tết, Công ty đã huy động 100% xe máy chuyên dùng và lực lượng công nhân quét, thu gom vận chuyển hết toàn bộ lượng rác thải trên địa bàn do Công ty quản lý. Tại khu vực bãi chôn lấp chất thải rắn cũng được tăng cường gom ủi, xử lý, phun thuốc diệt ruồi, khử mùi, giảm thiểu tối đa tình trạng ô nhiễm…

Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Phó Trưởng phòng Vật tư kỹ thuật (Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và Môi trường) cho biết: “Với mục tiêu bảo đảm không để rác tồn đọng qua đêm, không để rác ứ đọng trên đường phố, nơi công cộng trong các ngày trước, trong và sau Tết, lãnh đạo Công ty đã động viên, nhắc nhở công nhân cố gắng tích cực. Bên cạnh đó, Công ty cũng đáp ứng kịp thời chế độ hỗ trợ cho công nhân, nhằm bảo đảm thực hiện tốt việc thu gom rác”.

Sau Tết, cán bộ, công nhân, nhân viên của Công ty đã được huy động đồng loạt để thu gom rác trong khu dân cư, khu vui chơi, vệ sinh đường phố…  bảo đảm môi trường luôn được trong lành.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.