Chung tay chăm lo cho người khuyết tật và trẻ mồ côi
Bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa, nhiều năm qua, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể đã dành sự quan tâm, chăm lo cho người khuyết tật và trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đây là hoạt động có ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc, giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi cảm thấy ấm lòng, vơi bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Hoan Niê Kdăm trao quà tặng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em. |
Từ khi sinh cháu Nguyễn Ngọc Quỳnh Như (SN 2004), gia cảnh của chị Chung Thị Tuyết Nhung thôn 10 (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) càng thêm khó khăn, túng thiếu do cháu bị căn bệnh thiếu máu bẩm sinh (Beta thalassemia). Để duy trì sự sống, hằng tháng, gia đình phải đưa cháu xuống Bệnh viện Nhi Đồng 1 ở TP. Hồ Chí Minh truyền hồng cầu với chi phí khá tốn kém. Do sức khỏe yếu, mãi đến 5 tuổi Như mới bắt đầu biết đi nhưng căn bệnh trên đã khiến xương cháu bị phì đại, dễ gãy. Sau 5 lần té ngã, gãy xương chân, Như không thể đi lại được nữa, mọi sinh hoạt hằng ngày đều phải có người chăm sóc. Khó khăn càng thêm chồng chất khi anh Nguyễn Đình Thức (chồng chị) bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông năm 2011, mọi gánh nặng của gia đình đè cả lên đôi vai chị. Chia sẻ trước khó khăn đó, chính quyền địa phương, các đoàn thể, trường học đã quyên góp, giúp đỡ gia đình chị chi phí thuốc men, hỗ trợ gạo, miễn giảm các khoản đóng góp. Nhân dịp Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18-4 năm nay, cháu Như được tham dự buổi gặp mặt, tặng quà do Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi (BTNTT-TMC) tỉnh tổ chức. Nhận phần quà trị giá 500.000 đồng, chị Nhung xúc động nói: “Đây là lần đầu tiên gia đình tôi được tham dự gặp mặt những đại biểu người khuyết tật và nhận món quà ý nghĩa này nên bất ngờ và mừng lắm. Chính sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng, xã hội đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn là động lực để tôi vượt qua những trở ngại trong cuộc sống”. Tương tự, sau khi nhận phần quà do Hội BTNTT-TMC tỉnh trao tặng, chị H’Di Aliô ở buôn Niêng 1 (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) rơm rớm nước mắt. Gia đình chị có 2 con, trong đó cháu Y Mua Aliô (SN 2005) bị bệnh não úng thủy bẩm sinh, chỉ nằm bất động lại thường xuyên lên cơn sốt, co giật, mọi sinh hoạt thường ngày đều do mẹ chăm sóc. Khó khăn càng thêm chồng chất bởi người chồng đã bỏ đi hơn 5 năm nay, mình chị gồng gánh lo cho 2 con. Không chỉ có 2 trường hợp kể trên mà 58 đối tượng người khuyết tật của TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar, Buôn Đôn, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, Cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân cũng được tham dự buổi gặp mặt, tặng quà nhân dịp Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18-4 với tổng kinh phí 30 triệu đồng.
Tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà là một trong những hoạt động thiết thực, ý nghĩa của Hội BTNTT-TMC trong những năm qua. Tuy chỉ mới được thành lập từ tháng 5-2010, nhưng Hội đã trở thành “cầu nối” đưa những tấm lòng thiện nguyện của các tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh giúp đỡ hơn 8.200 lượt người khuyết tật nghèo và trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh. Bằng số tiền và hiện vật vận động trị giá trên 4,6 tỷ đồng, Hội đã tổ chức thăm hỏi, trao tặng trên 516 suất học bổng; 803 chiếc xe đạp, xe lăn, xe lắc, khung tập đi cho học sinh nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi; hỗ trợ con giống, xây dựng 11 công trình vệ sinh và tặng quà cho trên 4.800 lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi. Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp tổ chức khám sàng lọc và mổ mắt cho hơn 1.000 người; đưa 40 người đi phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng; thực hiện 9 đề án hỗ trợ sinh kế cho 362 người khuyết tật và trẻ mồ côi tại 10 xã thuộc các huyện Krông Pak, Buôn Đôn, Krông Bông, Lak, Ea Súp, Krông Buk, M’Drak, Cư M’gar, thị xã Buôn Hồ.
Bên cạnh Hội BTNTT-TMC tỉnh, những năm qua, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh cũng dành sự quan tâm, chăm lo đối với trẻ em khuyết tật, mồ côi. Riêng năm 2014, Quỹ đã vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp tiền mặt và hiện vật trị giá gần 7 tỷ đồng, hỗ trợ, giúp đỡ 6.607 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ nguồn quỹ này, đã hỗ trợ phẫu thuật tim cho 55 trường hợp với tổng kinh phí 3,3 tỷ đồng; phối hợp tổ chức khám sàng lọc và phẫu thuật mắt, sứt môi, hở hàm ếch, dị tật vận động, phục hồi chức năng cho các đối tượng; thăm hỏi, trao tặng 2.900 suất quà cho trẻ em khuyết tật, mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đồng thời, tặng 553 suất học bổng và 200 bộ đồ dùng học tập, 40 xe đạp cho trẻ em nghèo vượt khó; trao tặng đồ chơi ngoài trời cho trẻ em vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ xây dựng 4 nhà tình thương cho 16 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ… Ngoài ra, các đoàn thể, đơn vị, địa phương cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho người khuyết tật, trẻ mồ côi như tổ chức thăm hỏi, tặng quà, khám chữa bệnh, hỗ trợ xây dựng nhà ở, hỗ trợ phẫu thuật, phục hồi chức năng…
Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 100.000 người khuyết tật, trong đó có 11.963 người đã được hưởng trợ cấp hằng tháng; trẻ mồ côi có trên 10.000 em, trong đó có 497 em được hưởng trợ cấp hằng tháng. Mỗi người khuyết tật, trẻ mồ côi đều gặp những khó khăn riêng và rất cần sự chia sẻ, thương yêu, chăm sóc của gia đình và cộng đồng. Bà Mai Hoan Niê K’dăm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em tỉnh cho biết: “Chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi là hoạt động có ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc. Do vậy, thời gian qua, các cơ quan, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực với tổng kinh phí hàng tỷ đồng, giúp các đối tượng vơi bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, số người tàn tật, trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh chưa được hưởng lợi từ các chương trình, dự án, hoạt động nhân đạo từ thiện vẫn còn nhiều. Do vậy, bên cạnh sự quan tâm của tỉnh, rất cần sự chung tay, sẻ chia nhiều hơn nữa của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân hảo tâm”.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc