Multimedia Đọc Báo in

Giảm nghèo bằng dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động

10:42, 22/07/2015

Thời gian qua, công tác giảm nghèo được Đảng bộ, chính quyền và các ngành chức năng huyện Cư Kuin hết sức quan tâm, trong đó, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động luôn được địa phương đặt lên hàng đầu.

Những năm trước đây, tỷ lệ hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo người dân tộc thiểu số ở huyện Cư Kuin vẫn còn ở mức cao. Lãnh đạo địa phương xác định, nguyên nhân của tình trạng này là nhiều người dân không có việc làm, đông con, thiếu vốn đầu tư, đất đai canh tác ít và việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất vẫn còn hạn chế… Từ đó, huyện hết sức quan tâm đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đặc biệt là xuất khẩu lao động được xem là nhiệm vụ quan trọng để giảm nghèo nhanh và bền vững tại địa phương. Đối với công tác đào tạo nghề, bên cạnh Nghị quyết của Huyện ủy Khóa II, nhiệm kỳ 2012 – 2015 và Chỉ thị số 04/CT-HU, ngày 17-9-2010 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hằng năm, HĐND huyện cũng giao chỉ tiêu dạy nghề phù hợp với điều kiện của địa phương. Trên cơ sở đó, huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền tại các thôn, buôn để phổ biến các văn bản, kế hoạch đào tạo nghề; trực tiếp đối thoại với người nghèo, nhất là 27 buôn đồng bào dân tộc thiểu số để lắng nghe nguyện vọng của người dân, phổ biến chính sách học nghề, giảm nghèo, vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhờ đó, bình quân hằng năm có hàng ngàn lao động địa phương đã được đào tạo nghề, trong đó, riêng 6 tháng đầu năm 2015, huyện đã đào tạo nghề cho 1.085 người.

Chị H’Liêm Hmok bên ngôi nhà đang xây dựng.
Chị H’Liêm Hmok bên ngôi nhà đang xây dựng.

Cùng với đào tạo nghề, huyện Cư Kuin cũng chú trọng giải quyết việc làm mới cho người lao động, đặc biệt là xuất khẩu lao động. Để thực hiện chủ trương này, ngày 9-5-2012, huyện đã ban hành Quyết định số 1091/QĐ-UBND về việc thành lập Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động trên địa bàn huyện với 12 thành viên, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực văn hóa – xã hội làm trưởng ban. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi xuất khẩu lao động, huyện đã ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn ở mức 26 – 40 triệu đồng/người tùy theo nước đến làm việc với lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, lãnh đạo địa phương trực tiếp sang Malaysia để thăm các lao động đang làm việc tại đây để động viên tinh thần, nắm bắt tình hình thu nhập, đời sống của họ và làm việc với các công ty sử dụng lao động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lao động yên tâm làm việc. Theo số liệu của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, trong năm 2014, có 120 lao động địa phương đi xuất khẩu lao động nước ngoài, trong đó, 85% là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Lao động ở địa phương thường đến làm việc tại các nước Malaysia, Hàn Quốc, Các tiểu vương quốc A Rập thống nhất… Với các nghề may mặc, sửa chữa máy móc, hàn, mộc dân dụng…, và theo khảo sát của huyện, có 90% lao động có việc làm ổn định, gửi về cho gia đình 70 – 100 triệu đồng/năm/người.

Chúng tôi ghé thăm gia đình chị H’Liêm Hmok (buôn Plei Năm, xã Ea Ktur) đúng dịp gia đình đang xây nhà mới khá bề thế, chị chia sẻ: “Trước đây, kinh tế gia đình rất khó khăn, đất đai ít, làm lụng vất vả mãi vẫn không thoát được nghèo. Giờ thì khác rồi, không còn sợ cái nghèo nữa, phần lớn tiền làm nhà đều do mấy đứa con đi xuất khẩu lao động gửi về cả”. Cụ thể, gia đình chị có 4 người con đi xuất khẩu lao động tại Malaysia và Hàn Quốc thời hạn 2 – 4 năm. Sau khi trả hết tiền vay ngân hàng và giúp gia đình, đến nay, các con của chị đã tích góp được vốn để sau khi về nước có điều kiện vươn lên làm giàu.

Bà H’Bliăk Niê, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin cho biết, những kết quả đã đạt được trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động đã tạo điều kiện để địa phương thực hiện kế hoạch giảm nghèo nhanh và bền vững. Thời gian tới, huyện sẽ nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề; tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách về dạy nghề và chính sách giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời liên kết, giới thiệu các doanh nghiệp có uy tín đến địa phương tư vấn, tuyển dụng lao động đi làm việc trong nước và nước ngoài.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.