Multimedia Đọc Báo in

Nan giải công tác dân số ở vùng sâu

12:29, 10/07/2015

Dak Lak có địa bàn rộng, trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng, thêm vào đó là sự chi phối của nhiều yếu tố đặc thù ở một số địa bàn vùng sâu đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Còn nhiều rào cản

Ở huyện Krông Bông, dù địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền KHHGĐ nhưng tình trạng tảo hôn, đông con ở các xã: Cư Pui, Yang Reh, Yang Mao, Cư Drăm… vẫn chưa được giải quyết triệt để. Thực trạng trên khiến những gia đình “trẻ con” lâm vào cuộc sống nghèo khó, vất vả, ảnh hưởng đến tương lai của những đứa trẻ được sinh ra … Đơn cử như tình trạng tảo hôn, đẻ nhiều ở thôn Cư Rang (xã Cư Pui). Thôn cách trung tâm xã khoảng 15 km, phần lớn bà con theo đạo Tin lành nên rất khó vận động họ sử dụng các biện pháp KHHGĐ. Bên cạnh đó, do tập tục hôn nhân lấy vợ lấy chồng sớm khiến những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi học lần lượt rời bỏ ghế nhà trường, chính vì vậy mà nhiều người mới ở độ tuổi 30-40 nhưng đã sinh tới 5-7 con. Ví như trường hợp của gia đình Ma Seo Sính, cặp vợ chồng sinh năm 1996 cưới nhau khi tuổi đời còn quá trẻ, đến nay đã có 2 người con, Do kinh tế khó khăn nên vợ chồng Sính vẫn ở chung với bố mẹ. Hằng ngày, hai vợ chồng phải vào rừng hái măng hoặc đi làm thuê để có tiền lo cho các con nhỏ. Cuộc sống tù túng, chật chội, thiếu thốn đủ bề khiến vợ chồng thường xuyên cãi cọ…

Những đứa trẻ ở thôn Cư Rang (xã Cư Pui, huyện Krông Bông)  tự vui chơi, chăm sóc nhau để bố mẹ lên nương rẫy.
Những đứa trẻ ở thôn Cư Rang (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) tự vui chơi, chăm sóc nhau để bố mẹ lên nương rẫy.

Cũng là địa phương nhức nhối nạn tảo hôn, đông con, thôn Giang Đông (xã Ea Dah, huyện Krông Năng) cách trung tâm xã khoảng 15 km, xung quanh trập trùng đồi núi. Điều kiện sống chật vật, đường sá cách trở khiến khá nhiều trẻ em vùng quê này bỏ học. Theo trưởng thôn Giàng A Nụ,  thôn có trên 90% hộ gia đình sinh con thứ 3, trong số đó khoảng 80% là tảo hôn. Cuộc sống muôn bề vất vả, nhưng bà con vẫn quan niệm “đông con hơn đông của” nên những đứa trẻ ốm yếu cứ lần lượt ra đời…

Bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Tuy công tác DS-KHHGĐ đã đạt được một số thành tích đáng khích lệ, nhưng tình trạng tảo hôn, đẻ dày, đông con ở một số địa bàn vùng sâu vẫn còn cao. Nguyên nhân chủ yếu là do địa bàn rộng, dân cư phân bố không đều, nhận thức, trình độ dân trí còn thấp; một số vùng sâu có nhiều dân di cư tự do, mang theo phong tục tập quán lạc hậu … nên cản trở công tác DS-KHHGĐ. Điều này dẫn đến tình trạng đói nghèo, bệnh tật, kinh tế chậm phát triển và ảnh hưởng trực tiếp đến giống nòi, thế hệ tương lai sau này.

Tăng cường công tác truyền thông

Nhằm thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu DS-KHHGĐ, Sở Y tế đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục. Các mô hình, câu lạc bộ của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, MTTQVN tỉnh như: Câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3; Mô hình đưa chính sách dân số vào hương ước, quy ước thôn, buôn; Mô hình nâng cao chất lượng dân số, tuyên truyền theo từng nhóm nhỏ, tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình trong độ tuổi sinh đẻ và vị thành niên… đã và đang hoạt động tích cực, hiệu quả.

Những đứa trẻ ở thôn Cư Rang (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) tự vui chơi, tự trông nhau để bố mẹ lên nương rẫy
Những đứa trẻ ở thôn Cư Rang (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) tự vui chơi, tự trông nhau để bố mẹ lên nương rẫy

Tại các địa phương, đặc biệt là vùng sâu, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh kết hợp các hình thức truyền thông trực tiếp và truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Giai đoạn  2011 – 2015 đã thực hiện hàng chục nghìn lượt tuyên truyền trên sóng phát thanh; tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ cho 69.000 lượt người; trên 17.000 lượt nói chuyện chuyên đề, thảo luận nhóm; cấp phát 1,2 triệu tờ rơi về vấn đề KHHGĐ; tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ các cấp về kỹ năng truyền thông thay đổi hành vi; đào tạo thực hành kỹ thuật đình sản, đặt vòng, thuốc tiêm tránh thai… Trong thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp: cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời; mở rộng sự lựa chọn biện pháp tránh thai; thông tin đầy đủ, an toàn về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản; nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ cung cấp dịch vụ; nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng chất lượng dịch vụ KHHGĐ… Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng dân số, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã triển khai đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại 15 huyện, thị xã, thành phố; mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, duy trì sinh hoạt 2 lần/tháng tại 40 câu lạc bộ trên toàn tỉnh; mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống…

Bà Phạm Thị Tuyết Nhung cho biết thêm, trong những năm tới, việc thực hiện chương trình DS-KHHGĐ vẫn tiếp tục tập trung giải quyết vấn đề quy mô dân số, mà thực chất là giảm mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, qua đó từng bước ổn định quy mô dân số bền vững, nâng cao chất lượng dân số, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.