Multimedia Đọc Báo in

Gian nan những chuyến tuần tra rừng mùa mưa

09:01, 08/08/2015

Sau chuyến đi rừng, chúng tôi có dịp hiểu thêm những vất vả, gian nan của các cán bộ quản lý bảo vệ rừng. Mặc dù vất vả, hiểm nguy là vậy nhưng tinh thần của những người lính gác rừng vẫn luôn lạc quan, nỗ lực hết mình để làm tốt công tác tuần tra, bảo vệ rừng.

Mới đây, chúng tôi có dịp trở lại những cánh rừng thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm nằm trên địa bàn xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar). Điểm đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là Trạm cơ động số 1 thuộc tiểu khu 544, cách trung tâm xã Ea Kiết khoảng 10 km đường rừng. Lâu lâu mới có khách đến, lại là những phóng viên muốn tìm hiểu thực tế công tác tuần tra rừng nên các anh vui lắm. Sau những cái bắt tay thân mật, anh Nguyễn Kim Mưu, trạm trưởng, nhắc khéo chúng tôi rằng muốn đi rừng mùa mưa thì phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đối phó với những khó khăn. Thấy chúng tôi có vẻ quyết tâm cao, anh Mưu không ngần ngại nữa và phát cho mỗi người một chiếc áo mưa, đôi ủng cao su, chiếc mũ cối và đôi găng tay dày cộm. Anh giải thích, nếu không có trang phục bảo hộ thì những người đi rừng không chuyên như chúng tôi sẽ dễ bị thương.

Đội tuần tra rừng thuộc Trạm cơ động số I, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm đang tuần tra tại tiểu khu 544.
Đội tuần tra rừng thuộc Trạm cơ động số I, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm đang tuần tra tại tiểu khu 544.

Men theo những lối mòn nhầy nhụa bùn đất vì mưa, anh Mưu dẫn chúng tôi dần đi sâu vào rừng. Khoảng 1 giờ đi bộ, luồn lách qua những tán cây, dây leo rậm rạp, chúng tôi gặp được tổ tuần tra của trạm khi các anh đang nghỉ giải lao chuẩn bị ăn trưa. Bữa trưa của các anh là những chiếc bánh mì được gói cẩn thận trong túi nilon, hộp sữa đã khoét dở và một chai nước lọc được chuẩn bị sẵn trước khi đi tuần tra rừng. Anh Trần Văn Sinh, một kiểm lâm viên cho biết, nếu tuần tra rừng mùa khô thì có thể đi xe máy và mang theo đầy đủ thức ăn, các vật dụng cần thiết, còn mùa mưa thì phải đi bộ và hành trang mang theo chỉ là áo mưa, võng cá nhân, ít lương thực khô như bánh mỳ, lương khô, hay bánh quy… Anh Sinh tâm sự: “Tuần tra rừng mùa mưa vất vả lắm. Có nhiều hôm đi rừng gặp mưa lớn, nước suối dâng lên cuồn cuộn không thể lội qua, anh em đành mắc võng nằm lại trong rừng. Nhiều khi vào rừng bị vắt, rắn, bọ cạp cắn, nếu không biết cách sơ cứu kịp thời thì rất nguy hiểm đến tính mạng”...  Khi được hỏi tại sao những ngày mưa gió vẫn phải đi rừng, anh Nguyễn Kim Mưu cho biết, những ngày lễ, Tết hay mưa gió lại càng phải tuần tra kỹ hơn, bởi lâm tặc thường lợi dụng thời điểm này để hoạt động. Anh Mưu nhớ lại: Cũng vào thời điểm mùa mưa cách đây 3 năm, lúc đó khoảng 2 giờ sáng, nhận được tin báo có một nhóm lâm tặc đang vận chuyển gỗ trái phép trong tiểu khu 544, anh Mưu đã khẩn trương báo cáo với Ban giám đốc Công ty, đồng thời cùng một đồng chí trong trạm vào hiện trường phối hợp ngăn chặn. Lúc anh đến thì cũng là khi nhóm lâm tặc gọi thêm đồng bọn với tổng cộng khoảng 50 người mang theo gậy gộc, dao và súng kíp tự chế đuổi đánh lại lực lượng kiểm lâm. Một đối tượng đã dùng súng tự chế bắn vào ngực khiến anh bất tỉnh. Anh Mưu được đồng đội đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk với 6 viên đạn chì trong ngực, tỷ lệ thương tật 53%. Sau ca phẫu thuật, hiện vẫn còn 3 viên đạn găm trong gan anh Mưu. Tháng 6-2015 anh được Nhà nước công nhận là thương binh hạng 3/4.

Sau nhiều giờ tuần tra, đội tuần tra rừng Trạm cơ động số I nghỉ ngơi và ăn trưa.
Sau nhiều giờ tuần tra, đội tuần tra rừng Trạm cơ động số I nghỉ ngơi và ăn trưa.

Mưa rừng ngày một lớn, nếu quay lại đường cũ để ra trung tâm xã Ea Kiết thì lầy lội khó đi nên cả đội phải đi tắt qua lâm phần tiểu khu 546 thuộc địa bàn quản lý của Trạm cơ động số 3. Đi đến bờ suối, chúng tôi may mắn gặp đội tuần tra của Trạm cơ động số 3 do anh Hoàng Văn Quyền phụ trách. Anh Quyền nhiệt tình giúp chúng tôi vượt suối bằng cách ném sợi dây cáp sang, cột 2 đầu dây vào thân cây rồi kéo từng người qua. Anh Quyền là người có thâm niên trên 10 năm gắn bó với công việc tuần tra rừng nên cũng khá nhiều kinh nghiệm. Anh cho biết, làm công việc này trước hết phải có sức khỏe tốt và thực sự yêu rừng thì mới trụ được lâu trong nghề. Cũng như anh Mưu, anh Quyền đã không ít lần đối mặt với hiểm nguy, bị lâm tặc tấn công khi làm nhiệm vụ. Anh Quyền nhớ rõ nhất là vụ việc xảy ra vào lúc 18 giờ ngày mồng 1 Tết Nguyên đán năm 2009. Trời hôm đó cũng mưa lâm thâm suốt ngày. Đang trên đường tuần tra thì tổ công tác của anh phát hiện nhóm khoảng 30 người vận chuyển gỗ trái phép và ngăn chặn thì bị các đối tượng đuổi chém trọng thương sau đó nhanh chóng tẩu tán gỗ lậu. Anh Quyền và đồng đội may mắn được một người dân đi ngang qua phát hiện đưa đi cấp cứu…

Sau chuyến đi rừng, chúng tôi có dịp hiểu thêm những vất vả, gian nan của cán bộ quản lý bảo vệ rừng. Mặc dù vất vả, hiểm nguy là vậy nhưng tinh thần của những người lính gác rừng vẫn luôn lạc quan, say sưa làm tốt công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Ông Trần Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm cho biết Công ty đang quản lý 8.837 ha rừng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, Công ty đã thành lập 6 Trạm cơ động chốt chặn ở các ngả đường vào rừng, vừa thuận lợi cho công tác tuần tra vừa kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hành vi vi phạm lâm luật. Bên cạnh đó, Công ty cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền xã Ea Kiết, các ngành chức năng huyện Cư M’gar tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không tham gia lấn chiếm, khai thác rừng. Từ năm 2014 đến nay, Công ty đã phát hiện, ngăn chặn và phối hợp với ngành chức năng xử lý gần 100 vụ vi phạm lâm luật, góp phần giữ ổn định diện tích và sự phát triển của rừng. Năm 2014, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen do đã có thành tích xuất sắc trong công tác sản xuất, kinh doanh và bảo vệ rừng hiệu quả.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.