Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana)

10:41, 25/08/2015

Công trình cấp nước (CTCN) sinh hoạt tập trung thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) được khởi công xây dựng từ năm 2008 đến năm 2012 hoàn thành, đi vào vận hành với tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng, trong đó, 60% nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch – Vệ sinh môi trường nông thôn, còn lại là vốn đối ứng của UBND huyện Krông Ana và người dân đóng góp.

Công trình gồm 4 giếng khoan, 2 bình lọc, 1 bể chứa có dung tích 240 m3 và hệ thống đường ống dài 34 km, do Trung tâm Nước sinh hoạt và Môi trường nông thôn tỉnh quản lý, vận hành. Công trình hiện cấp nước sinh hoạt ổn định cho hơn 600 hộ dân thuộc 7 tổ dân phố trên địa bàn thị trấn. Gia đình anh Hoàng Đức Bộ (tổ dân phố 4) là một trong những hộ đầu tiên đăng ký sử dụng nước của công trình. Trước kia, gia đình anh sử dụng nước giếng đào, nguồn nước khá dồi dào, nhưng do mật độ dân cư ngày càng đông, nhà xây mọc lên san sát với nhiều hầm rút nên anh rất lo sợ nguồn nước bị ô nhiễm. Vì vậy, khi có CTCN tập trung, anh quyết định đầu tư hơn 1,4 triệu đồng để đấu nối. Tương tự, ban đầu, khi chuyển đến tổ dân phố 3 sinh sống từ năm 2006, gia đình chị Phan Thị Lục góp tiền cùng một hộ hàng xóm để đào chung giếng lấy nước sử dụng. Nhưng vào mùa khô, giếng thường bị cạn nước, gây khó khăn cho sinh hoạt và việc buôn bán của gia đình. Vì vậy, năm 2014, chị quyết định đóng hơn 1,7 triệu đồng chi phí đấu nối để được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ CTCN tập trung Buôn Trấp. Chị Lục cho hay: “Tuy mới sử dụng được hơn 1 năm nhưng tôi thấy khá hài lòng. Công trình hoạt động ổn định, nước cấp mạnh, trong nên không còn lo thiếu nước vào mùa khô như trước kia nữa”.

Nhân viên quản lý CTCN sinh hoạt tập trung Buôn Trấp kiểm tra việc vận hành công trình.
Nhân viên quản lý CTCN sinh hoạt tập trung Buôn Trấp kiểm tra việc vận hành công trình.

Mặc dù lợi ích của công trình đem lại đã thấy rõ nhưng qua tìm hiểu được biết, do đường ống chính chưa được lắp đặt ở tổ dân phố Buôn Trấp nên 530 hộ dân nơi đây vẫn chưa có nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh để sử dụng. Đơn cử như gia đình anh Đỗ Bá Dũng đã sử dụng nước giếng đào hơn 30 năm nay, nhưng do nước bị nhiễm phèn, để lâu lại có màu vàng đục nên chỉ dùng tắm rửa, lau dọn nhà cửa, còn nấu ăn uống thì phải mua nước bình. Anh Dũng cho biết: “Với mong muốn có nguồn nước hợp vệ sinh sử dụng nên nhiều hộ đã đầu tư cả chục triệu đồng khoan giếng sâu 50 – 60 m nhưng nguồn nước vẫn bị nhiễm phèn, không bảo đảm sức khỏe. Những hộ kinh tế khó khăn, không có điều kiện khoan giếng thì phải xin hoặc mua từng thùng nước về nấu ăn, uống. Anh Trần Văn Phương, tổ trưởng tổ dân phố Buôn Trấp than thở: “Ngay khi công trình được khởi công, mỗi hộ dân của tổ dân phố cũng đóng góp tiền để lắp đặt đường ống nhưng không hiểu lý do vì sao đến nay vẫn chưa có nước sạch sử dụng. Trong khi đó, do đặc điểm thổ nhưỡng, tổ dân phố có một mặt giáp sông Krông Na, hai mặt giáp ruộng nên vào mùa mưa thường ngập lụt, nguồn nước bị ô nhiễm, nhiều nơi đào giếng không có nước, người dân rất “khát” nước sạch, nhất là vào mùa khô. Chúng tôi chỉ mong sao các cấp, ngành hữu quan sớm đầu tư kéo đường ống cấp nước về tổ dân phố để bà con bớt khổ”. 

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.