Multimedia Đọc Báo in

Nan giải nạn tảo hôn ở Cư Suê

09:20, 08/08/2015

Trong những năm qua, mặc dù địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách Dân số - KHHGĐ song tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều buôn dân tộc thiểu số của xã Cư Suê (huyện Cư M’gar)...

Như nhiều thiếu nữ Êđê ở buôn Sút M’Đrưng, năm 17 tuổi H.M Niê cũng bắt đầu cuộc sống vợ chồng. Chồng H.M là Y.V Niê (SN 1992) ở buôn Trấp, xã Ea H’Đing (huyện Cư M’gar). Cả hai đều nghỉ học từ rất sớm, quen và yêu nhau sau nhiều lần đi làm cùng. Do hai người lỡ vượt quá giới hạn và có thai nên hai bên gia đình phải đồng ý cho lấy nhau. Sau hơn 3 năm chung sống, vợ chồng H.M đã có 2 đứa con, đứa đầu năm nay 3 tuổi, đứa út mới chỉ vài tháng tuổi. Cách đó không xa là gia đình H.L Êban và Y.H Niê. Cặp vợ chồng này lấy nhau vào năm 2014 khi H.L chỉ mới 15 tuổi. Năm nay, ở tuổi 16, H.L đã là mẹ của đứa con 2 tháng tuổi. H.L giải thích về lý do tảo hôn của mình: “Sau em còn có 4 đứa em nhỏ, bố lại mất sớm, gia đình thiếu người lao động nên em phải lấy chồng! Em và chồng quen nhau qua điện thoại, sau 2 năm thì cưới. Ngoài chăm sóc vườn cà phê, ruộng lúa của gia đình, chồng em còn đi phụ hồ để có thêm thu nhập”.

Xã Cư Suê hiện có 2.370 hộ, với hơn 11.368 khẩu, trong đó 65 % là người dân tộc thiểu số. Toàn xã có hơn 3.360 phụ nữ từ 15 – 49 tuổi, trong đó có 1.885 người có chồng. Tình trạng tảo hôn xảy ra khá phổ biến những năm gần đây, tập trung chủ yếu ở các buôn như: Sút M’Đrưng, Sút H’Luốt, Sút M’Rư... Trong đó, buôn Sút M’Đrưng được xem là "điểm đen" về tảo hôn, rộ lên như một phong trào. Theo thống kê của Ban Dân số - KHHGĐ xã Cư Suê, tính từ năm 2014 đến nay, xã đã ghi nhận 16 trường hợp tảo hôn (trong đó, từ đầu năm 2015 đến nay có 6 trường hợp), riêng buôn Sút M’Đrưng đã có đến 7 trường hợp. Nhiều trường hợp bỏ học từ rất sớm, thậm chí chưa học hết THCS. Các cặp vợ chồng tảo hôn đều tổ chức cưới lén lút không thông qua chính quyền địa phương và đợi đến khi đủ tuổi thì mới đến UBND xã để đăng ký kết hôn và khai sinh cho con cái...

Những năm qua, xã Cư Suê đã có nhiều biện pháp  nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của nhân dân về thực hiện KHHGĐ, từng bước xóa bỏ nạn  tảo hôn nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Thực trạng tảo hôn đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số, tác động xấu đến công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương… Chị H’Đao Êban, cộng tác viên dân số buôn Sút M’Đrưng cho biết: “Rất nhiều lý do cho các trường hợp tảo hôn, như: các em quen nhau, có thai nên gia đình hai bên phải tổ chức đám cưới; do điều kiện của gia đình thiếu lao động nên phải lấy chồng sớm... Nhìn chung, các cặp vợ chồng tảo hôn vẫn phải ở chung với bố mẹ. Tình trạng này 2 năm trở lại đây diễn ra khá phổ biến. Cộng tác viên thường xuyên đến tận các hộ gia đình để tuyên truyền, vận động, tuy nhiên trước mặt thì họ nghe nhưng thực hiện thì còn hạn chế”.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc