Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Nhiều hoạt động chăm lo đời sống người có công

08:59, 18/09/2015
Thời gian qua, công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo đời sống cho người có công với cách mạng luôn được huyện Cư M’gar chú trọng.

Hiện toàn huyện quản lý 2.501 người có công với cách mạng, trong đó có 1.001 người hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi hằng tháng và 1.500 người hưởng chế độ trợ cấp một lần. Từ trước  đến nay, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa luôn được địa phương quan tâm thực hiện chu đáo, đã mang lại hiệu quả thiết thực, đời sống của người có công ngày càng được cải thiện, với 100% người có công trên địa bàn có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình nơi cư trú, 17/17 xã, thị trấn được công nhận là đơn vị làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ. Trong 5 năm đã chi trả chế độ trợ cấp hằng tháng và các chế độ, trợ cấp khác cho người có công và thân nhân với tổng kinh phí trên 80,167 tỷ đồng.

Các đơn vị nhận phụng dưỡng đến thăm mẹ Phạm Thị Buội  (người đứng giữa, hàng sau).
Các đơn vị nhận phụng dưỡng đến thăm mẹ Phạm Thị Buội (người đứng giữa, hàng sau).

Một trong những phong trào được duy trì có hiệu quả thời gian qua là vận động gây quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hỗ trợ xây dựng nhà Tình nghĩa cho gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở. Tính đến nay, nguồn quỹ này đã huy động được gần 2 tỷ đồng và hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 118 nhà Tình nghĩa với tổng kinh phí gần 900 triệu đồng. Cùng với đó, học theo lời Bác bằng những việc làm thiết thực, từ giữa năm 2012, Huyện ủy Cư M’gar đã triển khai chương trình vận động trong mỗi cán bộ, đảng viên tiết kiệm 1.000 đồng/ngày nhằm gây quỹ hỗ trợ, xây dựng nhà Tình nghĩa, Tình thương tặng các gia đình chính sách, hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đến nay, Quỹ “Tiết kiệm 1.000 đồng” đã huy động được trên 3 tỷ đồng, bước đầu hỗ trợ cho 76 hộ gia đình chính sách cải thiện nhà ở (với mức hỗ trợ  từ 10 - 30 triệu đồng).

Ngoài thực hiện đầy đủ, kịp thời việc chi trả chế độ cho người có công, đối tượng chính sách, huyện cũng coi trọng việc tổ chức thăm hỏi, động viên đến các đối tượng này không chỉ vào những dịp lễ, tết, 27-7… mà đã trở thành việc làm thường xuyên của các cơ quan, đoàn thể trong huyện. Trong 5 năm, các đơn vị, đoàn thể trong huyện đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhằm động viên tinh thần, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng cho 27.200 lượt đối tượng, với kinh phí gần 6 tỷ đồng. Công tác quản lý, chăm sóc Nghĩa trang liệt sỹ, Đài tưởng niệm liệt sỹ luôn được thực hiện chu đáo, phục vụ tốt nhu cầu thăm viếng của các tổ chức, cá nhân. 

Đáng chú ý là để thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nhiều trường học, doanh nghiệp trên địa bàn đã tình nguyện nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH), đây được coi là một nét riêng tại địa phương. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng ý thức được trách  nhiệm và vinh dự nên các đơn vị đã tiết kiệm chi tiêu để chăm lo đời sống và dành thời gian chăm sóc các Mẹ ngày càng chu đáo hơn. Tính đến nay, toàn huyện có 6 Mẹ VNAH còn sống và đều được các đơn vị, trường học nhận phụng dưỡng với mức trợ cấp từ 500.000 - 1 triệu đồng/mỗi tháng. Một số đơn vị làm tốt công tác  này như Công ty Cà phê Ea Pôk, Công ty cà phê 15, Trường THPT Lê Hữu Trác, THCS Nguyễn Tri Phương… Đơn cử như Mẹ VNAH Phạm Thị Buội (104 tuổi) ở tổ dân phố 4, thị trấn Quảng Phú, có người em và hai con là liệt sỹ. Kể từ khi có chương trình này, Trường THPT Lê Hữu Trác và Công ty cà phê 15 đã nhận phụng dưỡng Mẹ. Nhiều việc làm nghĩa tình đã được hai đơn vị này cùng nhau thực hiện như: hỗ trợ phụ cấp hằng tháng với số tiền 1 triệu đồng, thường xuyên thăm hỏi, động viên nhân các dịp lễ, tết và chăm sóc Mẹ mỗi khi trái gió trở trời... Theo Cô Nguyễn Thị Tây Thi, Hiệu phó trường Lê Hữu Trác, việc thực hiện các nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi mẹ Buội đã trở thành việc làm thường xuyên của nhà trường. Dù số tiền trợ cấp hay những món quà dành tặng Mẹ tuy không nhiều nhưng có ý nghĩa lớn, làm vơi  đi nỗi  đau, động viên Mẹ về mặt tinh thần và quan trọng hơn, giúp giáo dục trong các em học sinh đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc... 

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.