Multimedia Đọc Báo in

Phát huy giá trị của luật tục trong quản lý bảo vệ rừng

10:04, 25/09/2015

Với đồng bào dân tộc bản địa ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, đời sống nông nghiệp của họ vốn gắn bó chặt chẽ với rừng cho nên ở các buôn làng có những quy định hình thức xử phạt rất nghiêm khắc với những ai phá rừng…

Rừng nguyên sinh ở đồi Cư H’lăm (Cư M’gar).
Rừng nguyên sinh ở đồi Cư H’lăm (Cư M’gar).

Là buôn được bao bọc bởi những cánh rừng quanh dãy núi Chư Yang Sin, đời sống của người dân ở buôn Tul, xã Yang Mao (Krông Bông)  luôn gắn bó với rừng. Y Thiếp Niê Kdăm, Buôn trưởng buôn Tul cho biết: Rừng không chỉ là nguồn sống của buôn làng mà còn là cõi tâm linh thiêng liêng. Vì thế có Thần Cây, Thần Rừng. Luật tục của người Êđê quy định rõ trước khi đi săn bà con phải cúng Thần Rừng, trước khi chặt cái cây về làm K’pan, làm nhà, phải cúng Thần Cây. Tất cả mọi người trong buôn không được mang lửa, mang củi cháy dở vào rừng, người đi rừng không được hút thuốc, châm lửa khi đi trong rừng vì sẽ gây ra họa cháy rừng. Khi ai thấy lửa cháy trong rừng thì phải dập tắt ngay, nếu lửa to không dập được thì phải chạy thật nhanh về báo cho già làng và những người trong buôn để huy động đông người ứng cứu kịp thời. Phải dạy con, cháu không được chặt, phá cây rừng làm nương rẫy, chỉ những cây đã khô, mục, ngã đổ thì mới được mang về làm củi. Làm rẫy không được phát rừng già, làm nhà không được chặt cây to, chặt một cây phải trồng bảy cây. Bất kể những ai xâm lấn rừng, đất rừng, phá hoại rừng và vi phạm vào những điều cấm kỵ trên đều đưa ra xét xử trước buôn làng.  Năm 2001, được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ trên 1.100 ha rừng tự nhiên, cộng đồng buôn đã xây dựng Quy ước bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng. Trong đó, quy định rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của bà con trong việc tham gia quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR). Chính vì vậy, bà con trong buôn luôn nâng cao ý thức bảo vệ rừng, không khai thác gỗ quý hiếm, chặt phá rừng làm nương rẫy, săn bắt động vật hoang dã trái phép và tiếp tay cho lâm tặc.

Bảo vệ cây rừng là bảo vệ cây đầu nguồn, bảo vệ cây rừng bên bờ suối, bến nước. Bởi cây rừng là mái nhà của cộng đồng, mất rừng, đất sẽ xói mòn, nguồn nước sẽ cạn kiệt, do đó bảo vệ cây rừng là bảo vệ môi trường sinh thái của cộng đồng. Chính những quy định rất rõ ràng trong luật tục mà cánh rừng nguyên sinh nằm trong lòng thành phố Buôn Ma Thuột luôn được người dân ở buôn Kmrơng Prong A và Kmrơng Prong B, xã Ea Tu gìn giữ, bảo vệ khá tốt. Già làng Y Ky Niê Kdăm ở buôn Kmrơng Prong A cho biết, những cây rừng đến hôm nay vẫn bao bọc quanh bến nước là bởi người dân trong buôn nắm rõ những quy định bảo vệ rừng trong luật tục của dân tộc mình cũng như pháp luật bảo vệ rừng của Nhà nước. Người dân nào vi phạm chặt một cây gỗ trong rừng của buôn sẽ bị phạt nặng và phải xin lỗi cả buôn. Nếu tái phạm lần thứ hai, lần thứ ba sẽ bị phạt gấp đôi, gấp ba lần như thế. Những quy định này thường được già làng và trưởng buôn nhắc nhở trong những buổi họp buôn. Vì thế, hơn 180 hộ dân của buôn Kmrơng Prong B ai ai cũng biết đến những quy định của ông cha, nên không dám mạo phạm tới rừng. Để giáo dục cho thế hệ tương lai, bản thân già làng cũng thường xuyên cùng lũ trẻ vào rừng, đến bến nước dọn vệ sinh và kể cho chúng nghe những mẩu chuyện liên quan đến điều mà luật tục răn dạy với hy vọng mai sau lớn lên chúng sẽ là thế hệ kế tiếp trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ bến nước mà ông cha của chúng đã để lại.

Cuộc sống hiện đại với nhiều đổi thay nhưng ở các buôn làng, những luật tục độc đáo này vẫn được thế hệ con cháu gìn giữ. Đây chính là một nét văn hóa đẹp của các buôn làng cần được phát huy, nhân rộng để góp phần gìn giữ màu xanh của những cánh rừng.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.