Multimedia Đọc Báo in

Cô giáo trẻ đam mê những cuộc thi viết

07:34, 18/10/2015
Năm 2009, tốt nghiệp ngành sư phạm Trường Đại học Tây Nguyên, cô giáo Vũ Thị Ngoại nhận công tác tại Trường THPT Trần Quốc Toản (huyện Ea Kar).
 
Năm 2012, cô chuyển đến dạy học tại Trường THPT Cư M’gar (huyện Cư M’gar). Dù công tác ở đâu cô cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình, được đồng nghiệp tin yêu, học trò quý mến. Đặc biệt, cô còn có niềm đam mê tham dự các cuộc thi viết; khác với phần lớn mọi người, cô đều viết tay hoàn toàn các tác phẩm dự thi của mình.

Cô giáo Vũ Thị Ngoại đã xuất sắc đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi như: giải Nhì cấp tỉnh cuộc thi “Cải cách thủ tục hành chính”, “Tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk” (năm 2010); giải Nhì, giải Ba cấp tỉnh và cấp huyện các cuộc thi “Tìm hiểu truyền thống đoàn kết quan hệ Việt – Lào” (năm 2012), “Dân số và kế hoạch hóa gia đình”, “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (tháng 6-2015)…  Chứng kiến những tác phẩm dự thi viết tay dày hàng trăm trang của cô, ai cũng thán phục bởi những nét chữ thẳng đều nhau tăm tắp trăm trang như một. Cô Ngoại tâm sự: “Tôi có đam mê viết lách từ hồi mới học cấp 2, cứ có cuộc thi là tôi đều tham gia. Sau này cuộc sống khá hơn, đã có máy tính đầy đủ nhưng tôi vẫn thích viết tay những tác phẩm dự thi, vì như vậy tôi thấy mình mới cảm nhận được hết những giá trị mà cuộc thi mang lại. Tôi nghĩ rằng việc đánh máy soạn các tác phẩm tham gia dự thi dễ khiến chúng ta ỷ lại, lạm dụng copy tư liệu từ các trang mạng để làm bài, từ đó dẫn đến sự tiếp thu những kiến thức trong các cuộc thi bị hạn chế. Tôi quan niệm, dự thi không hẳn để lấy giải mà để giúp cho bản thân có cơ hội hiểu biết và học hỏi nhiều hơn”.

Cô giáo Vũ Thị Ngoại (đứng) phát biểu tại  Đại hội Đoàn Trường THPT  Cư M’gar.
Cô giáo Vũ Thị Ngoại (đứng) phát biểu tại Đại hội Đoàn Trường THPT Cư M’gar.

Vừa tham gia giảng dạy, phụ trách hoạt động Đoàn ở trường, vừa bận việc gia đình, chồng công tác xa nhà, lại phải nuôi con nhỏ nên quỹ thời gian của cô giáo trẻ Vũ Thị Ngoại rất eo hẹp. Nhưng cô vẫn tranh thủ tìm tư liệu để làm bài dự thi vào những tiết trống, buổi tối và ngày nghỉ trong tuần. Niềm đam mê văn chương, lịch sử từ thuở bé đã giúp cô thuận lợi trong việc sưu tầm các tài liệu viết bài tham gia các cuộc thi. Ngoài ra, cô còn tìm tư liệu từ rất nhiều nguồn như thư viện của trường, tủ sách của Đoàn thanh niên, trên mạng Internet... Là giáo viên dạy môn tự nhiên (môn Sinh học) nhưng cô Ngoại vẫn yêu thích, say mê tìm hiểu các kiến thức xã hội. Cô cho biết: “Để thu hút học sinh trong các tiết dạy, không chỉ cần sự vững vàng về kiến thức chuyên môn, mà còn cần những kiến thức liên môn. Tham gia các cuộc thi giúp tôi có thêm kiến thức về Đảng, Bác Hồ kính yêu, lịch sử văn hóa dân tộc… để vận dụng thêm vào bài giảng thực tế và sinh động hơn''.

 Nhận xét về đồng nghiệp, thầy Nguyễn Duy Thành, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Cư M’gar cho biết: “Mặc dù cô giáo Vũ Thị Ngoại mới về công tác tại trường hơn 3 năm, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, con còn nhỏ nhưng trong công tác chuyên môn cô luôn phát huy tốt năng lực, hết lòng quan tâm giúp đỡ học sinh, được đồng nghiệp tin yêu, học trò quý mến. Cô luôn năng nổ nhiệt tình, phát huy tinh thần sáng tạo và cống hiến của tuổi trẻ trong mọi hoạt động, đúng với phương châm phấn đấu của ngành giáo dục: “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.

Trung Hải


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.