Multimedia Đọc Báo in

Một giáo dân có tấm lòng thiện nguyện

11:03, 23/10/2015
Gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, tích cực làm công tác từ thiện, xã hội, được bà con thôn xóm tin yêu... là những nhận xét tốt đẹp của người dân thôn Kim Châu, xã Đray Bhăng (huyện Cư Kuin) dành cho ông Bùi Viết Đề, giáo dân Giáo xứ Kim Châu.

Sinh năm 1936, đã từng đảm nhiệm nhiều cương vị: Chủ nhiệm HTX xe khách, Giám đốc Công ty Dịch vụ thương mại huyện Krông Ana; đến khi nghỉ hưu lại kiêm nhiệm nhiều công việc: Ủy viên Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ của xã, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi của thôn..., dù ở vai trò nào ông đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức trách được giao.

Ông Bùi Viết Đề  (thứ hai từ phải sang) trao đổi với mọi người  về làm đường giao thông nông thôn.
Ông Bùi Viết Đề (thứ hai từ phải sang) trao đổi với mọi người về làm đường giao thông nông thôn.

Là địa bàn có nhiều hộ Công giáo sinh sống, lại từng làm Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ 10 năm liền, ông thường xuyên quan tâm phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về hoạt động tôn giáo tới các gia đình; phấn đấu thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, sống “tốt đời, đẹp đạo”. Với tâm niệm là người giáo dân tốt trước hết cũng phải là một công dân tốt, ông luôn tích cực vận động bà con đoàn kết lương - giáo, đồng sức đồng lòng phát triển kinh tế, xây dựng thôn xóm, xã hội ngày càng giàu đẹp. Ông thường xuyên khuyên bảo con cháu về đạo đức làm người, yêu thương nhau và làm việc thiện; đồng thời bản thân ông cũng là tấm gương sáng cho mọi người noi theo bởi những nghĩa cử cao đẹp. Ông đã đứng ra vận động các cá nhân, tổ chức đóng góp tương trợ những hoàn cảnh khó khăn. Gần 10 năm làm công tác từ thiện, đã bao lần không quản đường xa, tuổi già, sức yếu, ông lặn lội đến khắp vùng miền từ TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Biên Hòa... để liên lạc, kêu gọi sự đóng góp ủng hộ. Từ số tiền, vật phẩm quyên góp được, ông lại cùng đoàn từ thiện tổ chức các chuyến đến thăm, trao quà tặng các gia đình nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong vùng và cả các huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Có những đợt vận động được ít, chưa đủ số quà trao tặng, ông lại bù tiền thêm cho đủ. Không nhớ hết bao nhiêu trường hợp được ông cùng đoàn từ thiện đến thăm, hỗ trợ trong lúc khó khăn; chỉ có thể tính trung bình mỗi năm ông vận động được gần 100 triệu đồng để giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo, người bị tàn tật, có hoàn cảnh thương tâm và phụ giúp thêm phần nào chi phí cho các gia đình được Nhà nước hỗ trợ xây nhà Tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết...

Không chỉ quan tâm đến những cảnh đời bất hạnh, ông còn hướng dẫn, giúp đỡ bà con phát triển kinh tế gia đình và là người có nhiều đóng góp trong việc đưa các phong trào tại địa phương đi lên. Mọi hoạt động của thôn dù lớn, dù nhỏ đều có ông góp sức. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, ông phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể của thôn vận động bà con đóng góp công sức, tiền bạc để làm đường giao thông nông thôn. Con đường nông thôn mới của thôn dài 1 km, dự toán khoảng 1,3 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 200 triệu đồng, còn lại nhân dân đóng góp đã được tiến hành xây dựng đạt vượt chuẩn quy định (5 m bề ngang mặt đường, so với chuẩn quy định là 3 m). Thấy vậy, người dân ở các nhánh đường rẽ ngang cũng chủ động bàn nhau đóng góp để xây dựng hoàn thiện hệ thống đường giao thông nội thôn thêm khang trang, sạch đẹp... Bên cạnh đó, ông Đề còn là một thành viên trong tổ hòa giải của thôn được người dân tin tưởng. Một số vụ tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra phức tạp, tưởng chừng không thể hòa giải được, nhưng với lòng nhiệt tình, sự hiểu biết, nắm bắt tâm lý, ông cùng tổ hòa giải đã thuyết phục thành công, góp phần giữ vững an ninh trật tự ở địa phương.

Với những cống hiến của mình, ông Bùi Viết Đề đã được trao tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp; gần đây nhất, vào tháng 9-2015, ông vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen “Giáo dân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, “sống tốt đời đẹp đạo” góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2010 – 2015”.

Lan Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.