Multimedia Đọc Báo in

Người phụ nữ giỏi giang

07:33, 18/10/2015
Nhắc đến chị Nguyễn Thị Thoan, bà con thôn 6, xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) ai cũng thán phục bởi chị vừa đảm đang "việc nhà", lại giỏi giang "việc nước".

Tham gia công tác xã hội từ năm 1983 tại Trạm Y tế Nông trường Cao su 1-5 thuộc xã Ea Kpam trước đây, trải qua nhiều cương vị khác nhau, đến nay chị Thoan là đại biểu HĐND xã, thành viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã khóa VI nhiệm kỳ 2015 – 2020 đồng thời là Bí thư Chi bộ kiêm cộng tác viên dân số/KHHGĐ thôn 6. Đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ, chị đều hoàn thành xuất sắc vai trò được giao, được mọi người kính trọng, tin yêu.

Thôn 6 (xã Ea Kpam) có 224 hộ với 1.014 nhân khẩu. Đời sống của bà chủ yếu sản xuất nông nghiệp và làm công nhân Nông trường Cao su 1-5 nên cuộc sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Là Bí thư chi bộ thôn, chị Thoan luôn vận động bà con tích cực tham gia các lớp tập huấn, hương dẫn các kỹ thuật trong chăn nuôi trồng trọt để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa các cây con giống mới có giá trị cao vào sản xuất, đồng thời chị còn vận động các hộ có kinh tế khá, giàu hỗ trợ các hộ khó khăn về các cây, con... Bằng sự nhẹ nhàng, khéo léo của người phụ nữ, chị Thoan luôn có cách nói thuyết phục để bà con tin tưởng, nghe theo. Nhờ vậy, đời sống của người dân trong thôn ngày càng được cải thiện, đổi thay từng ngày. Đến nay thôn 6 có tới 65% hộ có kinh tế khá, giàu và chỉ còn 3 hộ nghèo. Trong công tác dân số/ KHHGĐ chị Thoan đã tích cực vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai; tuyên truyền, giải thích cho các cặp vợ chồng về tác hại của việc sinh đông con, hướng dẫn và tư vấn những biện pháp tránh thai phù hợp… Qua đó đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức của các gia đình trong việc thực hiện chính sách về dân số - KHHGĐ. Suốt 3 năm nay thôn 6 không có trường hợp nào trẻ em sinh ra là con thứ 3 trở lên.

Chị Thoan chuẩn bị sân phơi cà phê.
Chị Thoan chuẩn bị sân phơi cà phê.

Đặc biệt, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, cách làm hay của chị Thoan được đông đảo bà con trong thôn hưởng ứng nhiệt tình. Chị đã phối hợp với chính quyền xã thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt thường kỳ, khuyến khích người dân, nhất là các đảng viên tích cực đóng góp ý kiến về thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cũng như thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đưa ra những sáng kiến hay trong công tác vận động nhân dân góp công, góp của xây dựng nông thôn mới. Chị Thoan cho biết: “Do thường xuyên sinh hoạt, chúng tôi đã kịp thời nghe, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng, những thắc mắc của nhân dân, để từ đó cùng với chính quyền xã thảo luận, thống nhất biện pháp tháo gỡ từng vấn đề, xây dựng từng chương trình phù hợp”. Điển hình như trong việc đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, xác định đây là một trong những tiêu chí quan trọng giúp địa phương sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới, chị Thoan đã cùng các hội, đoàn thể đến từng nhà tuyên truyền, động viên bà con góp sức thực hiện tốt chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ngay từ năm 2011, chị đã vận động bà con đóng góp được 230 triệu đồng để tiến hành đổ đá, kè mương, làm cống thoát nước, giải phóng mặt bằng để xây dựng đường giao thông nội đồng thẳng, đẹp. Năm 2015, chị cũng vận động bà con đóng góp được 190 triệu đồng vốn đối ứng cùng với Nhà nước bê tông hóa đoạn đường nội thôn dài 1.036 m. Đến nay, các tuyến đường đã thi công xong, thuận lợi cho bà con đi lại.

Không chỉ giỏi tuyên truyền, vận động, bản thân chị Thoan còn là một tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế và nuôi dạy con tốt. Hiện tại gia đình chị có 1,5 ha cà phê trồng xen 250 trụ tiêu, trong đó hơn 100 trụ đang trong thời kỳ kinh doanh, mỗi năm cho thu hoạch hơn 7 tấn cà phê, 5 - 6 tạ tiêu. Các con của chị đều được ăn học chu đáo và có công ăn việc làm ổn định. Gia đình chị Thoan liên tục được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa và được tặng nhiều giấy khen, bằng khen đã có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước và xây dựng đời sống văn hóa.

H’Xiu Êban


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.