Multimedia Đọc Báo in

Người phụ nữ tận tụy với công việc

09:36, 20/10/2015
Cái tên Hồ Thị Minh (nhân viên công nợ, Điện lực Nam Buôn Ma Thuột) luôn để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng nhiều bạn bè, đồng nghiệp trong ngành Điện.
 
Nhắc đến chị, mọi người hay gọi vui là “người phụ nữ thầm lặng”, hỏi ra mới biết, vì chị luôn làm việc không kể ngày đêm và luôn đứng sau những tờ giấy khen, các bảng thành tích... Chị Trịnh Thị Ngọc (Trưởng phòng Kinh doanh), người quản lý trực tiếp chị cho hay, không kể thứ 7, chủ nhật hay dịp nghỉ lễ, bảo vệ cơ quan vẫn thấy chị Minh lên làm việc như ngày thường; mỗi năm bình xét thi đua hay đề xuất khen thưởng, chị đều từ chối và chẳng bao giờ... chịu nhận thành tích về mình. Hơn 30 năm công tác ở bộ phận theo dõi công nợ, chị Minh luôn chỉn chu và có trách nhiệm với từng con số, dấu phẩy khiến đồng nghiệp, lãnh đạo cơ quan cảm thấy tin tưởng, hài lòng.
Chị Hồ Thị Minh
Chị Hồ Thị Minh

Theo dõi, xử lý công nợ tiền điện tại một đơn vị có đến hơn 45.000  khách hàng là việc không hề dễ dàng. Cùng với đó, chính sự đa dạng của hình thức thu tiền điện (tại điểm cố định, thu qua ngân hàng…) cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc quản lý, kiểm soát công nợ và gạch nợ khi khách hàng đóng tiền. Hiện Điện lực Nam Buôn Ma Thuột có đến 10 ngân hàng thu tiền hộ nên hằng ngày chị phải thận trọng, tỉ mỉ nhập thông tin của hàng nghìn khách hàng, để không nhập sai nhà nọ thành nhà kia, tránh để khách phàn nàn, khiếu nại... Đảm nhận khối lượng công việc lớn nên chịu nhiều áp lực, tuy nhiên, với công việc và  năng lực của mình, chị luôn hoàn thành tốt công việc được giao và bảo đảm chu trình: nhập số - truyền số liệu – nhận, gạch nợ - quyết toán tiền điện – xử lý thủ tục cắt, đóng điện thu nợ - lập báo cáo… diễn ra nhịp nhàng, thuận lợi. Chị Minh chia sẻ, đến cuối tháng mà  không thấy sai sót gì thì mới có thể thở phào nhẹ nhõm…

Tuy vậy, phụ trách công việc liên quan trực tiếp đến nợ quá hạn của khách hàng để có biện pháp ngừng cung cấp điện nên chuyện bị khách  “mắng vốn” oan cũng chẳng có gì xa lạ. Chị kể, có lần vừa nhấc điện thoại lên chị nhận được ngay một hồi mắng sa sả của khách khiếu nại tại sao vừa mới đóng tiền nhưng nhà lại bị cắt điện. Cố giữ bình tĩnh, chị nhẹ nhàng xin lỗi và yêu cầu khách chờ máy để kiểm tra. Hóa ra vị khách này nợ gối đầu hai tháng nhưng mới chỉ đóng một tháng nên theo quy định vẫn phải tạm ngừng cung cấp điện. Với những khách hàng khó tính như thế, chị lại phải thật khẽ khàng, khéo léo giải thích để khách hiểu ra vấn đề, tránh những hiểu lầm nho nhỏ không đáng có.

Không chỉ hoàn thành tốt công việc chuyên môn, chị Minh còn biết đến như một tấm gương đầy nghị lực vượt qua hoàn cảnh riêng để vươn lên, lo cho con ăn học đến nơi đến chốn. Từ khi người chồng – trụ cột gia đình đột ngột ra đi, hơn 10 năm nay, chị phải gắng gượng, vừa  một mình nuôi con vừa tìm cách để lo chu toàn việc nhà, việc cơ quan. Ai cũng biết đó là cả một nỗ lực không nhỏ đối với một người phụ nữ…

 Chừng đó năm trong ngành Điện, chị Minh luôn dành hết tâm huyết, thời gian cho công việc, lại luôn giành “núi việc” về phần mình, chỉ để cho những chị em khác có thêm thời gian lo cho gia đình, con nhỏ… Thế nhưng, khi nói về mình, chị chỉ khiêm nhường: “Mình chỉ làm việc đúng trách nhiệm chứ chẳng có  gì để nói, chỉ mong hoàn thành thật tốt việc cơ quan giao phó…”. Dường như, với người phụ nữ này, công việc luôn là niềm vui để khuây khỏa những nỗi niềm riêng…

 Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.