Multimedia Đọc Báo in

Say mê nghề dệt thổ cẩm

08:45, 16/10/2015
Trong khi nhiều phụ nữ ở các buôn làng đã lãng quên nghề dệt truyền thống thì bà H’Yưp Adrơng (còn gọi là Amí Jam) tại buôn K’mrơng Prông A, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) lại say mê, gắn bó với nghề dệt thổ cẩm và coi đó là cái nghiệp của mình.
Amí Jam hướng dẫn cách dệt thổ cẩm cho em gái.
Amí Jam hướng dẫn cách dệt thổ cẩm cho em gái.

Thuở mới 16 – 17 tuổi, Amí Jam đã từng tò mò, thích thú với hình ảnh  các bà, các mẹ trong buôn ngày ngày ngồi bên khung dệt, miệt mài với từng đường tơ, sợi chỉ để làm nên những bộ khố áo, tấm đắp đẹp. Bà học dệt thổ cẩm với ước ao mình cũng trở thành người làm ra những bộ khố áo với những hoa văn đầy màu sắc. Từ đó đến nay đã hơn 30 năm, cũng là chừng ấy thời gian bà gắn bó với nghề dệt, Amí Jam hiện là một trong những người dệt thổ cẩm đẹp nhất xã Ea Tu. Amí Jam tâm sự: “Dệt thổ cẩm truyền thống đã trở thành niềm đam mê của tôi. Những người phụ nữ trong gia đình tôi từ xưa đến nay luôn gắn bó, lưu giữ nghề dệt mà ông  bà để lại, vì vậy tôi cũng muốn gìn giữ nguyên vẹn nghề truyền thống của gia đình, cũng là góp phần giữ gìn một nét văn hóa truyền thống của dân tộc Êđê mình”.

Amí Jam còn dạy nghề lại cho em gái là H’Na Adrơng và các chị em có hoàn cảnh khó khăn trong buôn, tìm đầu ra cho sản phẩm dệt thổ cẩm. Mỗi khi có thời gian, bà và các chị em trong buôn lại ngồi vào khung dệt, cùng trao đổi những kinh nghiệm học được để hoàn thiện hơn những đường dệt. Sản phẩm của Amí Jam làm ra  từ cái chăn, trang phục thổ cẩm, giỏ xách đến dây địu em bé...  không chỉ chất lượng mà còn đa dạng về mẫu mã, giá cả cũng phải chăng nên được bà con ở các buôn xa, làng gần tin tưởng tìm đến hỏi mua và lấy mối nhập hàng về bán. Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Tu cho biết: “Amí Jam không những dệt thổ cẩm đẹp mà còn tạo công ăn việc làm cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn trong buôn từ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Đây là một việc làm rất đáng trân trọng vừa bảo tồn một nét văn hóa truyền thống vừa giúp nhau làm kinh tế”.

 Djuang Niê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.