Multimedia Đọc Báo in

Trạm y tế xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn): Đẩy mạnh công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em

09:38, 20/10/2015
Trước đây, công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em tại xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) gặp nhiều khó khăn do tỷ lệ hộ nghèo cao; với nhiều gia đình, việc bảo đảm bữa ăn hằng ngày đã là một gánh nặng, vì thế việc cho con cái ăn uống đủ chất dinh dưỡng hầu như chưa được quan tâm.
 
Thêm vào đó, người dân còn duy trì những thói quen thiếu khoa học trong chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, cho trẻ ăn dặm quá sớm trước 6 tháng, cho trẻ ăn cơm hạt khi hệ tiêu hóa của trẻ còn yếu, cách chế biến thức ăn chưa hợp lý, chỉ chú trọng ăn no chứ chưa đủ chất, thức ăn không bảo đảm vệ sinh… là những yếu tố khiến cho tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em của xã còn cao.

Trước thực tế đó, Trạm y tế xã Ea Wer đã chú trọng công tác truyền thông nhằm thay đổi nhận thức của các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ, đặc biệt là các bà mẹ và phụ nữ mang thai về những hành vi có hại cho sức khỏe trong chăm sóc nuôi dưỡng trẻ. Mỗi quý, trạm đều tổ chức tuyên truyền, thực hành dinh dưỡng cho các bà mẹ có con dưới 2 tuổi; tư vấn cho các bà mẹ về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, buôn tích cực đến các gia đình để tuyên truyền, vận động người dân quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em từ trong bào thai đến khi 5 tuổi. Trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn xã đều được theo dõi cân nặng, chiều cao 3 tháng/1 lần. Những trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng thì được theo dõi 1 tháng/1 lần. Các hoạt động truyền thông phòng chống suy dinh dưỡng được duy trì thường xuyên, nhất là vào các dịp cao điểm, như: Ngày vi chất dinh dưỡng 1-6, Tháng hành động vì trẻ em, Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ, Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển… Ngoài ra, các cộng tác viên y tế thôn, buôn và cán bộ chuyên trách y tế trạm còn thường xuyên đến từng hộ dân tận tình chỉ bảo, hướng dẫn cho các bà mẹ cách chăm sóc trẻ sơ sinh, chế độ dinh dưỡng phù hợp cho cả mẹ và bé; khuyên các gia đình nên tận dụng các loại thực phẩm có sẵn trong nhà như rau, củ quả, trứng… để chế biến các món ăn cho trẻ. 

Nhờ những hoạt động tích cực này, nhận thức của nhiều bà mẹ, người chăm sóc trẻ đã thay đổi một cách rõ rệt. Nhiều chị đã biết trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ, như: biết điều chỉnh, cân đối các nhóm dinh dưỡng kết hợp chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý; biết cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; cho trẻ ăn dặm từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều và đủ 4 nhóm dinh dưỡng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn xã theo đó cũng giảm dần qua từng năm. Tỷ lệ suy dinh dưỡng năm 2013 từ 17,1% giảm còn 15,7% năm 2014 và đến 6 tháng đầu năm 2015 giảm còn 14,7%.

Mỹ Hạnh - Quang Nhật


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.