Vượt qua bóng tối
Không được may mắn như người bình thường nhưng những người khiếm thị mà tôi đã được gặp gỡ và tiếp xúc đã cho thấy họ là những tấm gương giàu nghị lực. Vượt lên trên nỗi bất hạnh của bản thân, họ đã từng bước khẳng định mình “tàn” nhưng không “phế”…
Đến cơ sở xoa bóp do người mù đảm nhận nằm trên đường Phan Chu Trinh, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng và bất ngờ khi được chứng kiến cuộc sống của những người khiếm thị nơi đây. Căn nhà cấp 4 tuy không được rộng rãi, khang trang nhưng rất gọn gàng, sạch sẽ và đặc biệt là luôn tràn ngập tiếng nói cười của những người mù ở đây. Anh Quản Văn Ân (SN 1978), quản lý cơ sở xoa bóp này cho hay: Năm 2010, được sự giúp đỡ của Trường chuyên biệt Vi Nhân (thuộc Dòng tu nữ Phaolo), cơ sở xoa bóp người mù được thành lập. Hiện nay, cơ sở có 12 người mù đang làm việc, các thành viên thực sự coi nhau như anh em, người thân trong nhà. Người biết nghề trước truyền lại, chỉ dẫn tận tình cho những người đến sau. Mỗi khi có khách tới xoa bóp, mọi người chia nhau phục vụ, làm sao để ai cũng được làm việc và có thu nhập.
Các thành viên của cơ sở xoa bóp người mù trên đường Phan Chu Trinh hướng dẫn kỹ thuật cho nhau. |
Anh Mai Xuân Long (SN 1985), nhà ở huyện Cư Kuin, thành viên của cơ sở cho biết, năm anh lên 10 tuổi, trong một lần đùa giỡn với em trai đã không may bị vỡ nhãn cầu, trở thành người mù mắt, nặng tai. Nhờ bộ chữ nổi Braille và cách giảng dạy ân cần của các giáo viên thiện nguyện ở Trường chuyên biệt Vi Nhân, Long học được hết lớp 11 rồi dò dẫm vào đời nuôi thân bằng nghề massage vật lý trị liệu. Anh cho biết: Hiện nay, trung bình một ngày cơ sở đón tiếp khoảng 30 khách, sau khi trừ hết các khoản chi phí, bình quân mỗi người kiếm được gần 3 triệu đồng/tháng. Anh Long tâm sự: “Tôi nghĩ trong cuộc sống còn rất nhiều người thiếu may mắn hơn tôi mà họ vẫn vượt qua. Tôi còn sức khỏe thì cần phải cố gắng, chứ không trông chờ, ỷ lại, phải sống tốt để không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”.
Một trong những tấm gương tiêu biểu về người mù vượt khó là anh Cao Danh Quyền (SN 1976), hiện là chủ một cơ sở xoa bóp trên đường Giải Phóng, TP. Buôn Ma Thuột. Năm 2002, sau một lần bị sốt rét ác tính, đôi mắt của anh Quyền cứ mờ dần đi và rồi không nhìn thấy gì nữa. Thời gian đầu khi mới bị bệnh, cuộc đời của anh chìm trong những tháng ngày chán nản và tuyệt vọng. Nhờ sự động viên, khích lệ của anh em, bạn bè cùng suy nghĩ không thể là gánh nặng cho xã hội, anh bắt đầu làm quen với cuộc sống trong bóng tối. Năm 2008, anh tình cờ nghe được thông tin về Hội Người mù (HNM) nên tìm đến và xin gia nhập. Được sự quan tâm, giúp đỡ của Hội, anh Quyền theo học lớp xoa bóp dành cho người mù do HNM tỉnh tài trợ. Sau bốn tháng chịu khó học hỏi, anh thông thạo các kỹ năng xoa bóp và làm khá chuyên nghiệp. Sau những tháng ngày vất vả mưu sinh khắp nơi, năm 2013, anh về lại Đắk Lắk mở cơ sở xoa bóp do mình làm chủ. Hiện cơ sở của anh đã giải quyết việc làm cho 3 người cùng cảnh ngộ với thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/ người/ tháng.
Ông Lê Hữu Niên, Chủ tịch HNM tỉnh cho biết: Hiện nay, HNM tỉnh có 457 hội viên, sinh hoạt tại 5 hội cơ sở. Từ khi thành lập (năm 2003) đến nay, các cấp Hội luôn đặt nhiệm vụ chăm sóc đời sống, tạo việc làm cho hội viên lên hàng đầu. Nhờ sự quan tâm, ủng hộ của các ban, ngành, đoàn thể và các nhà hảo tâm, HNM tỉnh đã trao tặng hàng nghìn phần quà trị giá trên 2 tỷ đồng cho các hội viên vào dịp lễ, Tết; xây 10 căn nhà Đại đoàn kết cho người mù khó khăn về nhà ở; tổ chức được 4 lớp học chữ Braille; mở được 7 cơ sở xoa bóp bấm huyệt, tạo việc làm cho khoảng hơn 20 lao động là người mù với mức thu nhập ổn định…
Tuy hoạt động của Hội đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng người mù dù cố gắng đến đâu, cũng vẫn là những người gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, rất cần sự giúp đỡ, cảm thông của cộng đồng. Ông Lê Hữu Niên trăn trở: Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 1.800 người mù, đa số sống rải rác tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Phần lớn người mù chủ yếu vẫn phải sống dựa vào trợ cấp của Nhà nước, sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm và sự chia sẻ, đùm bọc của chính người thân trong gia đình. Số người có thể tự làm việc và nuôi sống bản thân chưa phải là nhiều. Vì thế, HNM rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành và các nhà hảo tâm đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ kinh phí để tập hợp hội viên, mở các lớp dạy nghề cũng như tạo việc làm cho họ, để những người không may mắn được cùng sẻ chia những khó khăn trong cuộc sống …
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc