Multimedia Đọc Báo in

Công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai: Khó khăn từ nhiều phía

08:23, 11/11/2015

Trong quá trình triển khai thực hiện, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn, nhiều chỉ tiêu đến năm 2015 không đạt yêu cầu…

Vẫn còn sự kỳ thị, định kiến

Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), tệ nạn sử dụng trái phép các chất ma túy trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng cả về quy mô, tính chất, mức độ, diễn ra ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố với 118/184 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy. Từ năm 2011 đến tháng 8-2015, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh tăng thêm 242 người (từ 1.119 người lên 1.361 người), chưa kể số không có hồ sơ quản lý. Ông Nguyễn Xuân Quý, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết: Sau khi Nghị định 94/2010/NĐ-CP, ngày 9-9-2010 của Chính phủ quy định về cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng có hiệu lực thi hành, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản liên quan để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn lại gặp không ít khó khăn. Công tác tuyên truyền dù đã được thực hiện nhưng kết quả chưa cao, sự kỳ thị và định kiến của cộng đồng vẫn còn. Vì vậy, trong thời gian qua, số người nghiện tự giác khai báo tình trạng nghiện và đăng ký các hình thức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng vẫn hết sức hạn chế, việc lập hồ sơ người nghiện chủ yếu là từ số liệu Công an huyện cung cấp cho Công an xã. Chị H.T.M.H (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) bộc bạch: “Gia đình tôi có một đứa con nghiện ma túy nhưng rất “ngại” đi khai báo tại địa phương vì nếu biết cháu nghiện thì hàng xóm, bạn bè… sẽ nhìn gia đình chúng tôi bằng con mắt khác. Vì vậy, mặc dù khá tốn kém tiền bạc nhưng tôi vẫn quyết định đưa con đến trung tâm cai nghiện tư nhân cho kín đáo và hiệu quả để con có thể thoát khỏi ma túy làm lại cuộc đời”.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh thăm hỏi học viên Trung tâm Giáo dục  lao động xã hội tỉnh.
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh thăm hỏi học viên Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh.

Triển khai chưa đồng bộ

Theo quy định tại Điều 18, Nghị định số 94, trước khi kết thúc thời gian cai nghiện bắt buộc, Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh có trách nhiệm lập hồ sơ, tổ chức hội đồng xét duyệt người có nguy cơ tái nghiện cao và đề nghị áp dụng biện pháp quản lý sau cai tại Trung tâm. Nhưng từ năm 2011 đến nay, Trung tâm chưa tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Hơn nữa, việc lập hồ sơ, bàn giao đối tượng đề nghị quản lý sau cai tại nơi cư trú cũng không hiệu quả. Theo ông Đỗ Văn Phao, Giám đốc Trung tâm, nguyên nhân của tình trạng trên là do quy trình phối hợp giao nhận người và hồ sơ giữa Trung tâm và chính quyền địa phương còn bất cập, một số nơi, chính quyền địa phương không “mặn mà” tiếp nhận đối tượng mà “đùn đẩy” qua lại giữa UBND xã, Công an xã, Tư pháp xã và LĐTBXH. Chính vì vậy, nhiều chỉ tiêu đến năm 2015 không đạt yêu cầu theo Quyết định số 792/QĐ-UBND, ngày 28-3-2011 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện trên địa bàn tỉnh. Chẳng hạn như: số người nghiện có hồ sơ quản lý được cai nghiện mới chỉ đạt 45%/100%; số người được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chỉ chiếm 5%/50%; số người nghiện ma túy được quản lý sau cai chỉ đạt 21% (trung bình 58 người/năm). Ngoài ra, công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa hiệu quả. Vì vậy, trong năm 2014, trên địa bàn tỉnh không có đối tượng nào bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm. Trong 8 tháng năm 2015, Trung tâm mới chỉ tiếp nhận 7/143 đối tượng cai nghiện bắt buộc (đạt 4,9% kế hoạch năm).

Mới đây, HĐND tỉnh đã tổ chức Đoàn giám sát tình hình thực hiện công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện tại một số đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát cho thấy, việc triển khai công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai trên địa bàn tỉnh từ năm 2011 đến nay chưa hiệu quả, còn nhiều khó khăn do kinh phí hạn chế, nguồn nhân lực thực hiện chủ yếu kiêm nhiệm, công tác phối hợp giữa các ngành chưa đồng bộ, chặt chẽ. Theo ông Nguyễn Thanh Hiệp, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát, để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai trên địa bàn tỉnh, Sở LĐTBXH cần rà soát lại các chỉ tiêu về cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện nhằm làm tốt công tác tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh xây dựng đề án đổi mới công tác cai nghiện trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Công an tỉnh, Sở Y tế và các ngành liên quan xây dựng Đề án cơ sở dữ liệu chung về người nghiện và công tác cai nghiện; tăng cường kiểm tra, giám sát, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện. Đồng thời, cần có biện pháp xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền không hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về cai nghiện tại gia đình, cộng đồng tại địa phương, đơn vị mình phụ trách.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.