Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea H'leo: Nhức nhối nạn tự tử bằng hóa chất nông dược

15:14, 08/11/2015
Theo tổng hợp của Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ (Bệnh viện Đa khoa huyện Ea H’leo), trong năm 2014 và 9 tháng năm 2015, toàn huyện đã xảy ra 250 vụ tự tử bằng các loại hóa chất nông dược (thuốc trừ sâu và diệt cỏ). Trong số các nạn nhân tự tử được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện, hơn 30 người đã tử vong, còn lại được chuyển lên tuyến trên.

Những xã như Ea Hiao, Dliê Yang, Ea H’leo và Ea Sol xảy ra các trường hợp tự tử nhiều nhất. Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2015, tại địa bàn 4 xã nói trên có đến 90 người tự tử bằng thuốc diệt cỏ, trong đó 13 người đã tử vong. Phần lớn những người quyên sinh ở huyện Ea H’leo thời gian qua có tuổi đời còn trẻ (từ 18 đến 45 tuổi), là lao động chính trong gia đình. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn này, song nguyên nhân chủ yếu là do mâu thuẫn và xung đột giữa vợ - chồng, giữa người thân trong gia đình, trắc trở trong tình cảm lứa đôi… Điển hình như trường hợp của anh Y.Q (SN 1997, ở buôn Huynh, xã Ea Sol). Do buồn chán vì chuyện yêu đương bất thành, tối 23-11-2014, anh Y.Q lén uống gần nửa chai thuốc trừ cỏ hiệu ParaQuat - loại hóa cực độc - để tự tử. Đến 23 giờ cùng ngày, anh Y.Q mới được người thân trong gia đình phát hiện đưa đi cấp cứu tại Bệnh viên Đa khoa huyện Ea H’leo. Tuy nhiên, do uống quá nhiều thuốc diệt cỏ nên chỉ 3 ngày sau anh Y.Q đã tử vong. Ông  Ama Bông, bố đẻ của anh Y.Q buồn rầu tâm sự: “Thằng Y.Q hiền và giỏi giang lắm, việc gì làm cũng được. Thế mà chỉ vì chuyện yêu đương không thành, buồn chán nó đã tự tìm đến cái chết bằng thuốc trừ cỏ. Từ ngày nó mất đi, gia đình buồn lắm vì nhớ thương con, việc nặng không có người đỡ đần, rẫy nương thiếu người chăm sóc nên kinh tế gia đình đã bị ảnh hưởng”.

Nhân viên y tế  Bệnh viện Đa khoa huyện  Ea H’leo đang  cấp cứu một  thanh niên uống thuốc  diệt cỏ.
Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa huyện Ea H’leo đang cấp cứu một thanh niên uống thuốc diệt cỏ.

Cách đây hơn một tháng, cũng vì mâu thuẫn chuyện vợ chồng mà lúc 15 giờ ngày 23-9-2015, anh Y. C (SN 1983, ở buôn Chứ, xã Ea Sol) ép buộc vợ mình là chị H.D (SN 1984) uống thuốc trừ cỏ (hiệu BaSuDin 40EC) để cả hai cùng chết. Chị vợ sợ quá, đã bế con chạy sang nhà chị gái của mình trốn. Sau khi vợ bỏ đi, anh Y.C chốt cửa trong nhà và uống thuốc tự tử. Khoảng 30 phút sau, chị H.D  chạy về thì phát hiện chồng đã uống gần hết chai thuốc trừ cỏ, người hôi nồng nặc và nằm mê man dưới sàn nhà. Mặc dù đã được đưa cấp cứu ngay nhưng do uống loại thuốc trừ cỏ quá nhiều độc dược, anh Y.C đã tử vong vào ngày hôm sau.

 Trước tình trạng xảy ra nhiều vụ tự tử bằng hóa chất nông dược ở các xã, thị trấn trong huyện Ea H’leo như vừa nêu, thiết nghĩ các cấp chính quyền, đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, cộng đồng dân cư, dòng họ… cần quan tâm hơn đến công tác hòa giải ở cơ sở. Qua đó kịp thời phát hiện những vụ việc mâu thuẫn nhằm giải quyết các mối bất hòa có hiệu quả ngay từ khi phát sinh; động viên, chia sẻ, giúp đỡ những người trong cuộc nhận rõ đúng - sai, giải quyết mối bất hòa theo hướng tích cực, thấu tình và đạt lý. Nếu gia đình, đoàn thể, họ hàng thân tộc hòa giải chưa thành công thì nhờ đến pháp luật can ngăn phân xử chứ không nên giải quyết bế tắc, buồn bực của cá nhân bằng cách uống thuốc độc quyên sinh. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở cần làm tốt hơn nữa việc đăng ký, quản lý và mua bán thuốc bảo vệ thực vật; ban hành chế tài xử phạt đủ mạnh để các đại lý kinh doanh thuốc trừ sâu, diệt cỏ quản lý chặt chẽ loại hóa chất “tử thần” này. Mặc khác, trong quá trình mua và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật về bảo vệ cây trồng, nếu dùng chưa hết thì bà con nông dân nên cất giấu trên nương rẫy, ngoài khe suối, bờ ao chứ không nên đưa về nhà nhằm ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất những cái chết thương tâm, đáng tiếc cho người thân.

Để giải quyết thực trạng này rất cần sự phối hợp, chung tay của toàn xã hội bởi đây không còn là chuyện đơn lẻ, cá nhân, chuyện riêng của “những người chán sống” mà đã trở thành thực trạng bất bình thường, đáng quan tâm trong đời sống xã hội. 

 Ngọc Tài


Ý kiến bạn đọc