Multimedia Đọc Báo in

Thanh niên Krông Ana phát huy vai trò xung kích

08:22, 11/11/2015

Những năm gần đây, các cấp cơ sở Đoàn Thanh niên huyện Krông Ana đã tổ chức được nhiều mô hình mới, cách làm hay, huy động sức trẻ với tinh thần xung kích, góp phần chung sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Phát huy vai trò xung kích của thanh niên, Ban Chấp hành Đoàn xã Bình Hòa đã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng công an xã, các chi hội, tổ dân phòng thôn không ngừng tuyên truyền vận động nhân dân tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản cá nhân, gia đình và cộng đồng, tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tố giác tội phạm… Bí thư Đoàn xã Nguyễn Văn Mạnh cho biết, để cụ thể hóa trong công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân, hằng năm, Đoàn xã đã đưa nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nhất là Luật phòng, chống ma túy vào chương trình sinh hoạt; thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi, tọa đàm về vai trò, trách nhiệm của đoàn viên thanh niên trong phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy. Nhờ đó, kiến thức pháp luật cũng như ý thức, trách nhiệm bảo vệ trật tự an toàn xã xã hội của đoàn viên thanh niên nói riêng và người dân nói chung đã từng bước được nâng cao. Nhiều năm qua, trên địa bàn xã không còn phát hiện trường hợp nào nghiện, chích hút ma túy; tình trạng thanh niên tụ tập gây gổ đánh nhau, trộm cắp đã cơ bản chấm dứt, tình hình an ninh trật tự luôn được giữ ổn định. Năm 2014 xã Bình Hòa được Bộ Công an trao tặng Bằng khen, Công an tỉnh tặng Cờ thi đua về thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Đoàn viên thanh niên huyện Krông Ana thăm hỏi một hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Bông.
Đoàn viên thanh niên huyện Krông Ana thăm hỏi một hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Bông.

Những năm gần đây, Đoàn Thanh niên xã Quảng Điền đã triển khai tốt phong trào thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn, góp phần cải thiện đáng kể môi trường nông thôn. Cứ vào sáng thứ 7 và chủ nhật hằng tuần, tổ thu gom và xử lý rác thải do Đoàn Thanh niên xã Quảng Điền thành lập lại chạy xe công nông đến tất cả 5 thôn trong xã để thu gom rác. Anh Nguyễn Tấn Hiệp, Bí thư Đoàn xã Quảng Điền cho hay, trước khi có tổ thu gom rác, vấn đề rác thải sinh hoạt là mối lo của người dân trên địa bàn xã. Trước tình hình ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt gây ra, đầu năm 2015, Đoàn xã đã mạnh dạn đứng ra nhận trách nhiệm thu gom, xử lý rác. Ý tưởng này đã được UBND huyện đồng ý và trích ngân sách đầu tư 1 chiếc xe công nông để các đoàn viên thanh niên bắt tay vào việc thu gom rác. Ngày đầu ra quân, lượng rác tập kết, thu gom phải chở hơn 50 chuyến xe trong 5 ngày mới hết. Để có kinh phí cho tổ thu gom rác hoạt động, mỗi hộ dân đã tự nguyện đóng góp 96.000 đồng/tháng. Hiện nay đã có trên 60% số hộ trong xã tham gia.

Đoàn viên thanh niên huyện Krông Ana giúp người dân xã Ea Bông làm đất trồng hoa màu. Ảnh: Lê Thành
Đoàn viên thanh niên huyện Krông Ana giúp người dân xã Ea Bông làm đất trồng hoa màu. 

Cùng với các cấp cơ sở Đoàn, nhiều cá nhân đoàn viên thanh niên cũng phát huy vai trò xung kích, hăng say lao động vươn lên làm kinh tế giỏi, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo điều kiện giúp đỡ nhiều người khác. Điển hình như đoàn viên Đặng Ngọc Hà ở thôn An Na (xã Dray Sáp) với mô hình trồng nấm rơm. Nhờ được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật do Huyện Đoàn Krông Ana phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức, năm 2014 anh Đặng Ngọc Hà đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mô hình trồng nấm rơm trên tổng diện tích nhà lồng khoảng 1.000 m2. Hiện nay mô hình nấm rơm của anh Hà rất hiệu quả, tư thương đến tận nơi thu mua. Sau mỗi lứa nấm (1 - 2 tuần/lứa) anh còn bán rơm mùn (loại rơm sau khi ủ nấm) làm phân vi sinh bón cho cà phê, tiêu rất tốt. Từ mô hình này mỗi năm anh Hà thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Ngoài ra anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 - 3 lao động trên địa bàn với mức lương khoảng 2 - 3 triệu đồng/tháng. Hay như mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi (VAC) của đoàn viên Lưu Văn Dũng ở thôn Quỳnh Ngọc 2, xã Ea Na cũng là một điển hình. Hiện nay anh có 3 sào ao nuôi cá, kết hợp nuôi vịt (mỗi lứa khoảng 5.000 con) và 3 ha lúa, ngô, mỗi năm thu lãi khoảng 350 triệu đồng. Anh Dũng còn thường xuyên tạo công ăn việc làm theo thời vụ cho 2 - 5 thanh niên chậm tiến trong xã; đồng thời, luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm làm kinh tế cho nhiều đoàn viên thanh niên và bà con nông dân đến tham quan học hỏi…

Anh Đào Đức Hiệp, Phó Bí thư Huyện Đoàn Krông Ana cho biết, hiện nay, bên cạnh những hoạt động xuất sắc của các chi đoàn cơ sở, đoàn viên thanh niên, Huyện Đoàn Krông Ana đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) “Khát vọng xanh” với mục đích tập hợp, vận động thanh niên trên địa bàn tham gia vào hoạt động xã hội từ thiện; cảm hóa thanh niên lầm lỗi, giúp thanh niên chậm tiến xóa bỏ mặc cảm để tái hòa nhập cộng đồng. Riêng trong năm 2015 CLB đã quyên góp được hơn 5.000 bộ quần áo, 7.000 vở trắng, đồ chơi, dụng cụ học tập khác để tặng 1.800 lượt thiếu nhi có hoàn cảnh gia đình khó khăn; thăm hỏi 45 hộ gia đình neo đơn, gia đình chính sách với trị giá 12 triệu đồng; vận động và tổ chức gói 250 bánh chưng tặng người nghèo và trẻ em nghèo đón tết năm 2015… Theo anh Hiệp, để thực hiện tốt kế hoạch đề ra, các cơ sở Đoàn trên địa bàn huyện đã chủ động lựa chọn tổ chức thực hiện chương trình công tác phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng yêu cầu của địa phương; đồng thời, phân công cán bộ phụ trách địa bàn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, cập nhật báo cáo tình hình. Qua đó phát huy tinh thần xung kích tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ, tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm của thanh niên đối với gia đình và xã hội.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.