Multimedia Đọc Báo in

Thêm động lực để lao động, cống hiến

15:23, 08/11/2015

Hơn 250 đại biểu tiêu biểu tham dự Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ X (2015-2020) vừa diễn ra là những bông hoa tươi thắm trong các ngành, lĩnh vực, địa phương. Tại Đại hội, các đại biểu đã được chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm từ những gương điển hình, những mô hình sáng tạo, hiệu quả để cùng quyết tâm thi đua phấn đấu lao động sản xuất, cống hiến góp phần xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp.

Có mặt tại Đại hội từ khá sớm, ông Niê Y Chreo, Phó Chủ tịch UBND xã Dlei Yang (huyện Ea H’leo) tranh thủ gặp gỡ một số điển hình tiêu biểu, nhất là những cá nhân, tập thể lao động sản xuất kinh doanh giỏi trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế. Ông chăm chú theo dõi chương trình giao lưu với 12 điển hình tiêu biểu trong các ngành, lĩnh vực, địa phương và rất thán phục tinh thần tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo vượt qua khó khăn của tập thể lãnh đạo Công ty Cổ phần Ong mật Đắk Lắk, Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết (huyện Cư M’gar)… cũng như sự nỗ lực vươn lên trong học tập của em Phạm Phương Thúy, học sinh lớp 12 chuyên Hóa Trường THPT Chuyên Nguyễn Du. Ông Y Chreo thổ lộ: “Qua chia sẻ kinh nghiệm từ những gương điển hình gợi cho tôi nhiều suy nghĩ. Sau Đại hội này, tôi sẽ mạnh dạn đề xuất Đảng ủy, UBND xã xem xét thành lập hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ nhằm liên kết các hộ trồng cà phê, có cùng nhu cầu được hỗ trợ về vật tư nông nghiệp, kỹ thuật canh tác, chế biến, bảo quản, cùng nhau cam kết ứng dụng và tuân thủ các tiêu chuẩn canh tác cà phê tiên tiến, làm gia tăng giá trị sản phẩm cà phê”. Với cương vị là Phó Chủ tịch UBND xã, những năm qua ông Y Chreo đã có nhiều việc làm thiết thực giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ thoát nghèo. “Lâu nay, các hội thảo về nông nghiệp thường được tổ chức tại Hội trường UBND xã, chỉ có đại diện nông dân, cán bộ thôn, buôn tham gia,  do đó những tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa thực sự đến với bà con nông dân. Thấy rõ bất cập trên, tôi chủ động gặp gỡ với một số công ty, đơn vị cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu đề nghị mở lớp tập huấn tại nhà văn hóa cộng đồng buôn để bà con tham gia. Hiện nay, 9/9 buôn trên địa bàn xã đều được Nhà nước đầu tư xây dựng nhà văn hóa cộng đồng nên rất thuận lợi cho việc mở lớp. Để việc tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật đem lại hiệu quả, tôi chỉ đạo Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh xã mời hội viên của tổ chức mình là hộ nghèo, hộ cận nghèo tham dự các lớp tập huấn trên để nghe, hiểu, nắm bắt kỹ thuật, từ đó áp dụng vào sản xuất”. Phó Chủ tịch xã Y Chreo cho biết thêm: Nhờ cách làm trên, kinh tế của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong xã được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 7%. Hiện nay, đa số các hộ  đồng bào DTTS ở 9 buôn trong xã đã có nhà xây, song vẫn giữ lại nhà truyền thống.
Các  điển hình tiêu biểu tham gia chương trình giao lưu  tại Đại hội.
Các điển hình tiêu biểu tham gia chương trình giao lưu tại Đại hội.

Ông Y Wih Niê (buôn Ea Sút, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) không xa lạ với nhiều người bởi từ một hộ khó khăn, nhưng nhờ cần cù lao động, ham học hỏi ông đã thoát nghèo, trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Kinh nghiệm này đã được ông chia sẻ, giúp nhiều bà con trong buôn, trong xã cùng làm giàu. Ông Y Wih Niê khiêm tốn  nói: “Mình chưa giàu nhưng sẵn sàng cho bà con mượn từ 20-30 triệu đồng/hộ không tính lãi để mua đất canh tác, làm nhà ở. Với 3,5 ha cà phê và 6 ha cao su, gia đình mình thuê 5-6 người chăm sóc, những lao động này thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, từ đó họ về áp dụng vào vườn cây của gia đình mình nên năng suất cũng tăng lên đáng kể”. Gắn bó với cây cà phê, cao su hơn 20 năm, đến với Đại hội thi đua yêu nước tỉnh lần thứ X này, ngoài chia sẻ kinh nghiệm thoát nghèo, ông Y Wih Niê mong muốn góp thêm một tiếng nói với hy vọng các cấp lãnh đạo, ngành chức năng hiểu rõ hơn những khó khăn mà người nông dân đang đối mặt, từ đó có giải pháp tháo gỡ. Ông chia sẻ: “Giá cao su xuống thấp, không ít nông dân trồng cao su điêu đứng. Những năm trước với chừng ấy diện tích đất canh tác, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu được 600 triệu đồng, sau khi trừ chi phí sản xuất lãi hơn 400 triệu đồng, còn bây giờ chỉ thu trên dưới 150 triệu đồng/năm. Từ thực tế sản xuất cho thấy, nông dân rất lo lắng về tình trạng giá cả nông sản thiếu ổn định, thời tiết diễn biến thất thường. Theo tôi giá như Nhà nước quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư nâng cấp, cải tạo các công trình thủy lợi trên địa bàn, giúp nông dân chủ động nguồn nước tưới; tạo điều kiện để bà con nông dân tiếp cận với nguồn vốn tái canh cà phê, đồng thời siết chặt công tác quản lý nhà nước về phân bón, thuốc trừ sâu, nhất là hạn chế tình trạng thu hoạch-mua bán cà phê xanh, chắc chắn ngành cà phê sẽ phát triển bền vững”. Vinh dự được tham dự Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ X, đây là một nguồn động lực rất lớn để ông Y Wih tiếp tục học hỏi, tìm tòi, sáng tạo nhiều hơn nữa để nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây trồng, làm giàu cho gia đình, tạo thêm việc làm cho bà con trong buôn…

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.