Bài toán lượng - chất về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Kỳ I)
Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Đề án 1956) đã góp phần tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả của đề án trong giai đoạn tiếp theo, trước mắt, cần tìm được lời giải cho bài toán lượng – chất.
Kỳ I: “Độ vênh” giữa kế hoạch và thực tiễn
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2010-2014 hỗ trợ đào tạo nghề cho 22.800 lao động nông thôn, tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 75%. Song thực tế, số lượng, ngành nghề đào tạo và đầu ra sau học nghề đạt thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu và nguồn lực đầu tư.
Số lượng đào tạo ít
Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là lao động nông thôn, thời gian qua tỉnh đã chú trọng đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở dạy nghề, từ 24 cơ sở năm 2006 đến nay đã có 41 cơ sở dạy nghề gồm 2 trường cao đẳng nghề, 3 trường trung cấp nghề tư thục, 23 trung tâm dạy nghề và 13 cơ sở khác có dạy nghề. Trong số 14 trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện, có 12 trung tâm được thành lập sau khi có Quyết định 1956 và đã được Trung ương, địa phương đầu tư trên 108,7 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị dạy nghề. Mặc dù kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dạy nghề khá lớn nhưng qua 5 năm thực hiện Đề án 1956 (từ năm 2010 đến hết năm 2014), toàn tỉnh mới chỉ tổ chức được 413 lớp đào tạo nghề cho 13.751 lao động nông thôn, tức là trung bình mỗi năm đào tạo 2.750 người. Con số này thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề án đặt ra (bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 4.560 lao động nông thôn) và cả số lao động có nhu cầu học nghề. Điều này cho thấy một nghịch lý là các trung tâm dạy nghề cấp huyện được đầu tư một nguồn kinh phí lớn để xây dựng cơ sở vật chất (mỗi trung tâm từ 9-15 tỷ đồng) với quy mô đào tạo từ 500 – 1.000 học viên/năm nhưng thực tế số lượng đào tạo rất ít vì chỉ tiêu được giao thấp. Và số lượng lao động được đào tạo trên cũng chỉ đạt 60,31% so với Nghị quyết số 81/2010/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, ngày 21-12-2012 về Chương trình việc làm và Dạy nghề tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2012-2015. Lý giải vấn đề này, ông Phan Trọng Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, theo Đề án 1956, lao động nông thôn thuộc các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, dân tộc thiểu số, tàn tật, bộ đội xuất ngũ, bị thu hồi đất canh tác… sẽ được đào tạo nghề miễn phí. Như vậy việc tổ chức các lớp dạy nghề phụ thuộc rất lớn vào nguồn kinh phí được hỗ trợ, trong khi đó nguồn kinh phí này lại thấp và thường giải ngân chậm. Năm 2010, kinh phí được cấp dạy nghề miễn phí cho các đối tượng là 6 tỷ đồng (đào tạo cho 2.296 người); năm 2011 là hơn 5 tỷ đồng (dạy nghề cho 2.135 lao động); năm 2012, được cấp 4,5 tỷ đồng, bằng 17% dự toán, nên chỉ đào tạo được 1.714 lao động nông thôn; năm 2013, từ ngân sách Trung ương và địa phương hỗ trợ, toàn tỉnh đào tạo nghề cho 3.521 người; năm 2014, tổng kinh phí được cấp hơn 10,5 tỷ đồng, đào tạo nghề cho 3.744 người. Số liệu trên cho thấy, kinh phí được phân bổ để thực hiện đào tạo nghề miễn phí từ Đề án 1956 thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu thực tế bởi theo kết quả điều tra, khảo sát của Sở LĐTBXH năm 2010, trong số 693.136 người trong độ tuổi lao động, có 121.375 người có nhu cầu học nghề.
Bà H’Drớk Hmok ở buôn Ea H’luk (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) tự tạo việc làm sau khi học nghề dệt thổ cẩm tại Trung tâm Dạy nghề huyện Cư Kuin. |
Một khó khăn nữa trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là việc tuyển sinh đầu vào, đây là tình trạng chung của hầu hết các trung tâm dạy nghề cấp huyện. Chẳng hạn như, năm 2014 và 2015, Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Bông đã phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể tư vấn tuyển sinh mở lớp sửa chữa máy nông nghiệp ở xã Dang Kang và Cư Pui nhưng do không đủ học viên nên đành chuyển sang xã Yang Mao và xã Cư Drăm. Đối với một huyện chưa được đầu tư kinh phí xây dựng trung tâm dạy nghề như Krông Bông thì việc tổ chức tuyển sinh, đào tạo gặp nhiều khó khăn cũng là điều dễ hiểu. Nhưng với những địa phương được đầu tư xây dựng trung tâm dạy nghề khang trang như Cư Kuin, Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea Kar… công tác tuyển sinh theo chỉ tiêu giao về dạy nghề phi nông nghiệp cũng gặp khó khăn không kém. Theo ông Trương Hữu Phấn, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Bông, nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác tuyên truyền, vận động chưa hiệu quả, thiếu sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương và cả nhận thức của người dân, ý thức của người tham gia học nghề. Một bộ phận phụ huynh và chính bản thân thanh niên trong độ tuổi lao động không muốn đăng ký học nghề sơ cấp mà theo đuổi ước mơ bước vào cánh cửa cao đẳng, đại học hoặc chí ít cũng là trường trung cấp nghề. Những người nông dân trồng trọt, chăn nuôi thì lại cho rằng, họ đã làm nghề cả chục năm, kinh nghiệm thực tế không thiếu thì cần gì phải học thêm. Không những vậy, nhiều người lại đăng ký học theo trào lưu hoặc cho “bằng bạn bằng bè” nên chỉ được một thời gian ngắn là nghỉ học.
“Đầu ra” còn khó khăn
Theo thống kê của Sở LĐTBXH, từ năm 2010 đến cuối năm 2014, trong số 13.012 người đã học xong (chiếm trên 60% so với kế hoạch), chỉ có 1.891 người được các doanh nghiệp tuyển dụng hoặc bao tiêu sản phẩm khi làm nghề; 7.783 người tiếp tục làm nghề cũ với năng suất, thu nhập cao hơn. Số lao động học nghề phi nông nghiệp (may dân dụng, may công nghiệp, sửa chữa xe gắn máy, xây dựng dân dụng, kỹ thuật nấu ăn, điện dân dụng, mây tre đan kỹ nghệ…) tự tạo việc làm hoặc được tuyển dụng rất ít mà chủ yếu là những người học nghề nông nghiệp và tiếp tục làm nghề cũ. Trong số học viên học xong lớp sửa chữa xe gắn máy tại Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana, anh Y Liêô Byă là học viên duy nhất ở buôn Cuê (xã Băng Ađrênh) mở được tiệm sửa xe ngay tại nhà, kiếm thêm từ 300.000 - 400.000 đồng/ngày. Anh cho biết: “Năm 2012, buôn mình có 8 người học nghề sửa chữa xe gắn máy nhưng chỉ có mình “sống” được bằng nghề, còn những người khác đều quay trở lại nghề nông hoặc tiếp tục “thất nghiệp”, một phần do tay nghề chưa vững nhưng nguyên nhân chính là không có vốn và mặt bằng để mở tiệm riêng”. Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana Đinh Thị Danh cho biết: “Với những nghề phi nông nghiệp, địa phương chưa có khu công nghiệp để thu hút lao động nên phần lớn học viên sau đào tạo phải tự loay hoay đi tìm việc làm ở nơi khác. Vì vậy, những nghề được Sở giao chỉ tiêu nhưng nếu nhận thấy học viên khó tìm đầu ra sau đào tạo, Trung tâm sẵn sàng trả lại kinh phí để tuyển sinh các nghề khác”. Ông Đỗ Đình Tuyến, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Cư Kuin lại chỉ ra một nguyên nhân nữa khiến việc làm sau đào tạo nghề gặp khó khăn, đó là lao động nông thôn chưa có tác phong làm việc công nghiệp. Vì vậy, nhiều người sau khi học xong nghề may công nghiệp, đã được trung tâm đưa đến các cơ sở may mặc ở TP. Buôn Ma Thuột, TP. Hồ Chí Minh giới thiệu việc làm nhưng chỉ được vài tháng họ đã bỏ về.
Học viên Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana thực hành nghề xây dựng dân dụng. |
Một trở ngại nữa khiến số lao động nông thôn tự tạo việc làm mới sau học nghề đạt thấp là do chưa được tiếp cận với nguồn vốn vay, sự liên kết giữa các cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong công tác giải quyết việc làm sau đào tạo nghề vẫn còn lỏng lẻo. Chẳng hạn như trường hợp anh Y Krem Hlong ở buôn Plum (xã Ea Trul, huyện Krông Bông) đã học xong nghề sửa chữa máy nông nghiệp ở Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Bông nhưng cũng đành quay lại với nghề trồng lúa. Anh Y Krem thở dài: “Máy nông nghiệp có rất nhiều loại, nhưng trong thời gian 6 tháng học ở Trung tâm, học viên chỉ biết sửa chữa một số loại máy của Trung Quốc nên chưa đủ tự tin để hành nghề. Hơn nữa, do không có vốn đầu tư nên dù trong buôn có 8 thanh niên đi học nghề này nhưng cũng chẳng ai nghĩ đến chuyện liên kết mở tiệm cả. Thôi thì cứ học cho biết, sau này tính tiếp”.
Tạo việc làm cho người lao động sau đào tạo là bài toán khó. Lao động tham gia học nghề chủ yếu tự tạo việc làm tại gia đình, chưa có sự liên kết giữa các học viên để mở tiệm, xây dựng các mô hình, trang trại mang lại thu nhập cao hơn do thiếu vốn, không có điều kiện tổ chức sản xuất. Do đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu xóa nghèo bền vững.
(còn nữa)
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc