Bài toán lượng - chất về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Kỳ II)
Kỳ II: Những “nút thắt” cần tháo gỡ
Những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ, giáo viên cơ hữu là những “nút thắt” đang ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Để đạt được mục tiêu của Đề án, đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ.
“Vướng” từ nhiều phía
Mặc dù Đề án 1956 đã triển khai được 5 năm nhưng đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 2 huyện gồm Krông Bông và Krông Pắc chưa được đầu tư xây dựng trung tâm dạy nghề. Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Bông được thành lập từ năm 2011, nhưng mãi đến năm 2013 mới triển khai thực hiện được công tác đào tạo nghề. Mặc dù quỹ đất xây dựng trung tâm đã được UBND huyện bố trí từ năm 2010 với diện tích 9.000 m2, đề án, thiết kế, dự trù kinh phí đều đã có nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư kinh phí xây dựng. Trụ sở tạm bợ, lại không có cả giáo viên cơ hữu nên để có thể tổ chức dạy được nghề chăn nuôi thú y, chăn nuôi heo, bò, sửa chữa máy nổ, Trung tâm phải ký hợp đồng với 6 giáo viên và thuê trang thiết bị, học liệu… Ông Trương Hữu Phấn, Giám đốc Trung tâm phân trần: “Thiếu thốn trăm bề khiến đơn vị hoạt động trong tình trạng “cầm chừng”. Vì vậy, tính đến nay, từ nguồn kinh phí của Đề án và huyện hỗ trợ, trung tâm mở được 15 lớp nhưng cũng chật vật lắm mới hoàn thành. Các nghề cũ hiện đã “bão hòa” do lao động nông thôn đăng ký học rất ít, Trung tâm đang tính đến chuyện chuyển đổi sang nghề mới như: xây dựng dân dụng, trồng nấm, nấu ăn, may chăng mới có hiệu quả”.
Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Pắc cũng rơi vào tình trạng tương tự. Mặc dù được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 6-2011 nhưng đến nay vẫn chưa có trụ sở làm việc, sau 3 lần chuyển địa điểm, hiện Trung tâm đang phải mượn tạm một số phòng của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện. Cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa có, giáo viên cơ hữu cũng không nên để có thể dạy được các nghề như chăn nuôi thú y, trồng trọt, bảo vệ thực vật, mây tre đan kỹ nghệ, nấu ăn, trang điểm uốn tóc, Trung tâm phải hợp đồng với 14 giáo viên và mượn thêm thiết bị, học liệu của các hợp tác xã, trạm khuyến nông, bảo vệ thực vật… Bà Hoàng Thị Nam, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện thở dài: “Theo quy định, giáo viên hợp đồng chỉ được trả thù lao 25.000 đồng/giờ dạy, trong khi địa bàn dạy nghề rộng, thường xuyên thay đổi khiến các giáo viên không “mặn mà” với công tác dạy nghề và Trung tâm cũng bị động về thời gian tổ chức các lớp học”.
Nghề trồng nấm của Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana được nhiều lao động nông thôn đăng ký học. |
Điều đáng nói, 12 trung tâm dạy nghề của các huyện, thị xã còn lại dù đã được đầu tư xây dựng khang trang nhưng phần lớn các thiết bị, học liệu vừa thiếu vừa lạc hậu nên cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức thực hành cho người học. Đơn cử như Trung tâm Dạy nghề huyện Cư Kuin được xây dựng từ năm 2011 với kinh phí gần 15 tỷ đồng, nhưng mới chỉ được bố trí 500 triệu đồng từ Đề án 1956 để mua sắm máy móc, thiết bị của một số nghề như sửa chữa máy nông nghiệp, may mặc, chăn nuôi thú y. Vì vậy, mặc dù người dân có nhu cầu học các nghề cơ khí, điện, hàn tiện, nhưng do chưa có trang thiết bị nên Trung tâm chưa thể tổ chức đào tạo. Trong khi đó, một số trung tâm tuy đã được đầu tư trang thiết bị phục vụ việc dạy các nghề: điện lạnh, điện dân dụng, may công nghiệp, sửa chữa xe gắn máy, cơ khí, điện cơ – điện lạnh, mộc, cắt gọt kim loại… nhưng hiệu quả sử dụng còn thấp, thậm chí một số nơi thiết bị vẫn nằm nguyên trong kho. Thêm vào đó, việc thiếu giáo viên cơ hữu đang là vấn đề nan giải đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh. Theo thống kê của Sở LĐTBXH, đến nay, trong số 14 trung tâm dạy nghề cấp huyện mới chỉ có 6 trung tâm gồm: Ea Kar, Krông Búk, Krông Ana, Ea H’leo, Cư Kuin, Buôn Đôn có tất cả 14 giáo viên trong biên chế, còn lại 8 trung tâm không có giáo viên. Do vậy, các trung tâm đều phải tự thuê nghệ nhân, thợ lành nghề hoặc ký hợp đồng thỉnh giảng với giáo viên của các trường cao đẳng, trung cấp nghề, cán bộ khuyến nông, bảo vệ thực vật… Thiếu giáo viên cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều Trung tâm Dạy nghề như Lắk, M’Đrắk, Ea Súp… có năm không tổ chức được lớp nào nên mặc dù được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang nhưng cũng đành rơi vào cảnh “ngồi chơi xơi nước”.
Để đạt được mục tiêu của Đề án
Mới đây, để “xốc” lại công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐTBXH thành lập Đoàn kiểm tra, đánh giá tình thực hiện Đề án của các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Ông Phan Trọng Tùng, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh, Trưởng đoàn kiểm tra cho biết: bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Một số Ban chỉ đạo cấp huyện chưa thực sự quan tâm đến công tác đào tạo nghề; việc tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách của Đề án 1956 ở một số huyện, xã chưa được thường xuyên, liên tục, chưa có nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp nên số người tiếp nhận được thông tin về đề án còn thấp; công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn chưa tốt dẫn đến số liệu thiếu chính xác; một số huyện chưa bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi về dạy nghề và thiếu giáo viên cơ hữu nên chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề chưa cao...
Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đề ra chỉ tiêu đào tạo nghề nông nghiệp cho 11.207 người, nghề phi nông nghiệp cho 20.814 người, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho 11.040 lượt cán bộ, công chức cấp xã… Để đạt được mục tiêu của đề án, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người lao động tham gia học nghề, liên kết chặt chẽ với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhằm giúp người lao động tiếp thu nghề nhanh hơn và có việc làm sau đào tạo, phát triển đội ngũ giáo viên, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, thường xuyên khảo sát, chủ động xác định, bổ sung danh mục ngành nghề đào tạo sát với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, các ngành kinh tế và thị trường lao động. Mỗi địa phương cũng cần từng bước đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, có những ưu tiên, hỗ trợ phát triển các ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn để thu hút người lao động nông thôn tham gia chuyển dịch ngành nghề sau khi được đào tạo nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện bộ mặt nông nghiệp - nông thôn, góp phần hoàn thành tiêu chí 12 trong việc xây dựng nông thôn mới.
Bà Mai Hoan Niê Kdăm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Đề án 1956 tỉnh khẳng định: “Tập trung dạy nghề phi nông nghiệp nhằm tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống là hướng đi và mục tiêu đúng đắn của Đề án 1956 mà tỉnh ta đang hướng đến. Vấn đề còn lại là muốn nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các đơn vị quản lý và cơ sở dạy nghề cần linh hoạt hơn trong việc sắp xếp, cơ cấu các ngành nghề đào tạo, chuyển từ đào tạo nghề theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo nhu cầu của người học và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, có như vậy mới giải quyết được bài toán đầu ra sau học nghề. Song song với công tác đào tạo nghề cần chú trọng giáo dục ý thức, tác phong công nghiệp cho người lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động giao dịch việc làm trên thị trường thông qua việc quy hoạch tổng thể hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa thông tin việc làm đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Nguyễn Xuân
[links()]
Ý kiến bạn đọc