Multimedia Đọc Báo in

Nét đẹp văn hóa Thái ở Ea Kuêh

09:59, 25/01/2016

Sau nhiều lần lỡ hẹn, tôi quyết định về xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar tham dự Lễ hội mừng lúa mới của cộng đồng người Thái, đây là ngày hội lớn của buôn xếp sau Tết Nguyên đán.

Không chỉ ấn tượng với các nghi thức cúng mừng lúa mới, tạ ơn trời đất, diễn tấu cồng chiêng và phần hội với các trò chơi dân gian như múa xòe, nhảy sạp, ném còn, tòn lòng (gõ máng), giao lưu ẩm thực với các món ăn truyền thống đặc trưng: khẩu nướng (xôi), khẩu hàn (cốm), chỉn giáng (thịt bò xông khói), tải pơ ooc (bò tái trộn lá chua), pá pỉnh (cá nướng) và rượu cần… mà ở sự hiếu khách. Trò chuyện với tôi tại Nhà văn hóa cộng đồng buôn - nơi diễn ra Lễ hội mừng lúa mới, ông Lò Văn Dậu, Trưởng buôn Thái cho biết, hơn 20 năm trước, người Thái từ huyện Tương Dương (tỉnh Nghệ An) vào Đắk Lắk lập nghiệp. Hành trang đến với vùng quê mới ngoài quyết tâm lập nghiệp là khát vọng gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc. Không như ở quê gốc, cộng đồng người Thái chỉ có vài chục nóc nhà, nên nguy cơ mai một văn hóa là rất lớn, do đó đã thành truyền thống năm nào buôn Thái cũng tổ chức Lễ mừng cơm mới âu cũng là để vơi đi nỗi nhớ quê hương và quan trọng hơn là để “đánh dấu” sự tồn tại trên vùng quê mới. Vì vậy dẫu có những thăng trầm, cộng đồng người Thái vẫn tổ chức Lễ hội mừng cơm mới để gìn giữ nét văn hóa đặc trưng rất riêng của dân tộc mình. Sự nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa của người Thái ở xã Ea Kuêh đã được ghi nhận, tiếp thêm sức mạnh là từ năm 2013 Lễ hội mừng lúa mới của dân tộc Thái đã trở thành một trong 5 lễ hội chính được tổ chức thường niên của huyện Cư M’gar và mỗi năm lễ hội được tổ chức quy mô hơn, bài bản hơn. Ai đã từng tham dự Lễ hội sẽ không thể quên được không khí náo nhiệt, với sắc màu rực rỡ của trang phục, của cây lá, đặc biệt là hình ảnh những đôi nam nữ nắm chặt tay nhau trong điệu xòe hoa, múa sạp…
Bà con buôn Xê Đăng học tập kinh nghiệm trồng hồ tiêu của buôn Thái.
Bà con buôn Xê Đăng học tập kinh nghiệm trồng hồ tiêu của buôn Thái.

Sự hiếu khách của người Thái được thể hiện ở tấm lòng chân thành dành cho “Anh em kết nghĩa” - buôn Xê Đăng - buôn nghèo nhất của huyện Cư M’gar. Ngược thời gian hơn 20 năm về trước, khi mới vào định cư ở vùng quê mới, đời sống của bà con buôn Thái cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, buôn Thái muốn chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ buôn Xê Đăng để cùng phát triển. Ông Vọng Văn Đồng, Bí thư Chi bộ buôn Thái cho biết: “Ban đầu chỉ là Chi hội phụ nữ 2 buôn kết nghĩa với nhau, nhưng xác định đây là việc chung của buôn nên cấp ủy đã chỉ đạo Ban tự quản, các tổ chức đoàn thể cùng thực hiện, từ đó mối quan hệ giữa hai buôn ngày càng bền chặt”. Kinh phí cho công tác kết nghĩa không nhiều, không thể hỗ trợ buôn Xê Đăng về cây, con giống, phân bón nhưng cấp ủy, ban tự quản và các tổ chức đoàn thể buôn Thái sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cà phê, hồ tiêu, nuôi bò, heo, gà… tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích đất canh tác, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị. Ông A Pía, Bí thư Chi bộ buôn Xê Đăng cho biết: “Buôn thành lập năm 2003, có 87 hộ, hơn 400 khẩu, gồm các dân tộc Thái, Dao, Tày, Xê Đăng, Êđê, Kinh cùng sinh sống. Do đường đi lại khó khăn nên đời sống của bà con rất khó khăn. Mấy năm gần đây, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước về cơ sở hạ tầng, cùng nhiều chương trình hỗ trợ khác, đặc biệt là sự giúp đỡ thiết thực của buôn Thái, đời sống của bà con buôn Xê Đăng bắt đầu thay đổi”. Tiêu biểu phải kể đến gia đình chị Brúp, trước đây chỉ biết tỉa lúa, trồng ngô, đậu, sau khi học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế của bà con buôn Thái, chị mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cà phê, hồ tiêu, mỗi năm thu hoạch hơn 2 tấn hồ tiêu, 1 tấn cà phê, nên đời sống khá ổn định. Ngoài ra, còn có gia đình chị Tăng Thị Nhung, dân tộc Dao, sau khi học hỏi kinh nghiệm đã chuyển từ trồng hoa màu sang trồng cây công nghiệp dài ngày, kết hợp chăn nuôi và buôn bán nhỏ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bà con trong buôn, tích góp mỗi thứ một ít, dành dụm nhiều năm cũng đã xây được nhà khang trang gần 200 triệu, mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Nhờ sự hỗ trợ của Chi hội Phụ nữ buôn Thái, nhiều chị em buôn Xê Đăng đã biết nuôi con khỏe, dạy con ngoan, kế hoạch hóa gia đình, biết vun vén để cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc hơn. Ông A Pía hồ hởi khoe: “Người Xê Đăng cũng có lễ hội, cũng biết đánh cồng chiêng. Qua nhiều lần tham dự Lễ hội mừng lúa mới của buôn Thái, mình sẽ vận động bà con trong buôn tập đánh chiêng, phục dựng lại lễ hội để một, hai năm sau cũng tổ chức lễ hội, quy mô nhỏ thôi những đó là văn hóa truyền thống của dân tộc”.

Rời Ea Kuêh trong chiều muộn, nhịp chiêng vẫn vang, men rượu cần, mùi thơm nồng của món thịt heo treo giàn bếp phảng phất. Tôi bịn rịn chia tay bà con buôn Thái, buôn Xê Đăng trong men rượu say đắm tình người.

 Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.