Multimedia Đọc Báo in

Phát huy sức trẻ giữ gìn trật tự an toàn giao thông

09:54, 22/01/2016

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nhân rộng các mô hình tự quản, xây dựng ý thức tự giác và thói quen chấp hành pháp luật về giao thông là hoạt động mà Đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong tỉnh đang tích cực cùng nhau thực hiện nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ giữ gìn TTATGT.

Thành lập từ năm 2002, Đội thanh niên tình nguyện giữ gìn TTATGT thị trấn Krông K’mar (huyện Krông Bông) góp phần không nhỏ vào việc giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông tại địa bàn. Để hoạt động có hiệu quả, Đội cùng Ban chấp hành Đoàn thị trấn trực tiếp phối hợp với Ban An toàn giao thông thị trấn hướng dẫn phân luồng và hỗ trợ người tham gia giao thông trong các giờ cao điểm; đồng thời nhắc nhở mọi người giữ gìn vệ sinh chung, vận động tiểu thương buôn bán đúng nơi quy định, không lấn chiếm lòng lề đường, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Anh Võ Phương Quang, Đội trưởng Đội thanh niên tình nguyện giữ gìn TTATGT tâm sự: “Để duy trì hoạt động, Đội xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc khoa học. Từ khi Đội thành lập, nhiều đoàn viên thanh niên đã trở thành những tuyên truyền viên hăng hái, năng động. tích cực cung cấp thông tin về ATGT trên địa bàn và có hình thức cảnh báo kịp thời khi phát hiện điểm mất ATGT”.

ĐVTN diễu hành tuyên truyền tại Ngày hội An toàn giao thông năm 2015.
ĐVTN diễu hành tuyên truyền tại Ngày hội An toàn giao thông năm 2015.

Một mô hình khá hiệu quả khác là Đội thanh niên xung kích “Giữ gìn TTATGT” của Đoàn trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Krông Pắc) tham gia phân luồng giờ cao điểm, hướng dẫn học sinh chấp hành Luật Giao thông đường bộ, giữ gìn TTATGT trước cổng trường và khu đông dân cư. Trước đây vào giờ tan học cảnh tượng học sinh chen lấn, dàn hàng ngang, tụ tập chờ nhau trên lòng đường, vỉa hè diễn ra thường xuyên. Sau khi nhà trường thành lập Đội thanh niên xung kích “Giữ gìn TTATGT”, tình trạng ùn tắc, va chạm trong giờ cao điểm giảm hẳn; ý thức của học sinh, phụ huynh khi tham gia giao thông được nâng lên rõ rệt. Anh Nguyễn Bình Huy, Bí thư Đoàn Trường chia sẻ: Từ đầu năm học, Ban Chấp hành Đoàn trường đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động của Đội và phân công các phần việc cụ thể. Theo đó, Đội sẽ hoạt động tại cổng trường vào đầu giờ và cuối mỗi buổi học để phân làn, nhắc nhở phụ huynh, học sinh chấp hành đúng các quy định về an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc và phòng ngừa tai nạn. Hằng tuần, thông qua giờ chào cờ, giáo dục công dân, sinh hoạt ngoại khóa, nhà trường lồng ghép tuyên truyền những kiến thức liên quan đến Luật Giao thông đường bộ nhằm tuyên truyền, giáo dục các em nâng cao ý thức khi tham gia giao thông; đồng thời tổ chức các diễn đàn, hội thi, hội diễn; vận động học sinh ký cam kết chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ; thường xuyên mời cảnh sát giao thông tới trường tập huấn, phổ biến và tư vấn trực tiếp các nội dung liên quan đến Luật Giao thông đường bộ cho giáo viên, học sinh. Ngoài ra, các thành viên trong Đội cũng thường xuyên tổ chức họp rút kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp để duy trì hoạt động, đổi mới phương thức nhằm bảo đảm hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động góp phần gìn giữ TTATGT trên địa bàn”.

Cùng với việc chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình, tổ, đội nhóm thanh niên tham gia tuyên truyền, giữ gìn TTATGT, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của ĐVTN với văn hóa giao thông. Trong năm 2015, toàn tỉnh đã tổ chức 283 lượt ra quân giữ gìn TTATGT; phối hợp tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ 216 đợt cho 140.435 lượt người. Bên cạnh đó, tuổi trẻ trong tỉnh còn tích cực tham gia “Ngày hội an toàn giao thông”, cuộc thi “Vẽ tranh về văn hóa giao thông”... Ngoài ra, các hoạt động tuyên truyền tới ĐVTN và nhân dân sử dụng mũ bảo hiểm đạt quy chuẩn khi tham gia giao thông, trang bị kỹ năng lái xe an toàn; đảm nhận đoạn đường thanh niên tự quản cũng được các cấp bộ Đoàn duy trì thường xuyên nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong tham gia giữ gìn TTATGT.

Muốn bảo đảm TTATGT thì không chỉ mỗi ĐVTN phải nâng cao ý thức mà cần có sự đồng thuận từ nhiều phía: cộng đồng, gia đình, nhà trường. Có như vậy, cuộc vận động “Tuổi trẻ xung kích giữ gìn TTATGT” mới trở thành phong trào thi đua sôi nổi với những hoạt động thiết thực, thường xuyên, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.