Những tín hiệu vui trong công tác xuất khẩu lao động ở huyện Krông Bông
Theo ông Hoàng Ngọc Vỹ, chuyên viên phụ trách lao động việc làm (Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Krông Bông) cho biết, xác định tầm quan trọng của xuất khẩu lao động trong giải quyết việc làm, góp phần tăng thu nhập, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo và ban hành kế hoạch về việc xuất khẩu lao động giai đoạn 2014-2015 trên địa bàn huyện. Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm tại các cụm xã, hằng năm UBND huyện đều xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương. Đối với một số xã khó khăn, huyện đã phối hợp với các công ty được cấp phép hoạt động trên lĩnh vực xuất khẩu lao động đến tận thôn, buôn để tư vấn về thị trường lao động và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nhờ vậy, trong 3 năm 2012 - 2015 đã tạo việc làm mới cho 5.747 người, trong đó có 45 người đi xuất khẩu lao động; trong đó, xã Hòa Phong có số người đi xuất khẩu lao động nhiều nhất, hiện có 9 lao động đang làm việc tại Malaysia và Nhật Bản. Theo khảo sát, hầu hết những lao động sau khi đến nước sở tại đã có việc làm và thu nhập ổn định.
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên sau khi được tư vấn, tháng 4-2014, chị H’Lợi Btô, con gái ông Y Kơ Êban ở buôn Hngô B (xã Hòa Phong) là người đầu tiên trong buôn đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ông Y Kơ cho biết, ban đầu gia đình ông rất lo lắng, phần vì trong buôn chưa có ai đi, phần thì lo con gái sang bên đó có thích nghi với cuộc sống mới nơi “đất khách quê người” được không. Nhưng mọi lo lắng của ông Y Kơ đã tan biến ngay khi biết tin con có công ăn việc làm ổn định. Làm việc ở Công ty may Kenly Malaysia, H’Lợi có thu nhập mỗi tháng 9 triệu đồng. Đến nay, H’Lợi đã gửi về 150 triệu đồng để giúp đỡ gia đình. Tháng 10-2015 vừa qua, ông Y Kơ Êban đã được công ty đưa sang Malaysia để trực tiếp chứng kiến việc sinh hoạt, ăn ở và làm việc của con ông và những lao động Việt Nam ở nước sở tại. Theo ông, các phong tục tập quán, ngôn ngữ của Malaysia có nhiều điểm tương đồng với đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nên dễ hòa nhập, làm việc, sinh hoạt thuận lợi hơn. Tháng 9-2015, con trai bà H’Nui Niê ở buôn Hngô A (xã Hòa Phong) cùng với 3 người khác đi xuất khẩu lao động sang Malaysia. Bà H’Nui phấn khởi: “Khi sang đến nơi, mỗi người được sắp xếp làm một công việc khác nhau, nhưng đều có công việc ổn định và thu nhập hàng tháng từ 5-7 triệu đồng. Mặc dù mới đi làm được 6 tháng nhưng mỗi cháu đã dành dụm gửi về nhà được 20 triệu đồng để trang trải nợ nần”.
Tuy chưa đạt được nhiều kết quả như mong muốn nhưng hiệu quả của công tác xuất khẩu lao động ở huyện Krông Bông đã được khẳng định. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời phối hợp với các công ty xuất khẩu lao động tư vấn cho người lao động ở các xã vùng sâu nắm bắt thông tin chi tiết về những thị trường lao động tiềm năng để người lao động lựa chọn phù hợp với năng lực của mình.
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc