Giúp các điểm Bưu điện Văn hóa xã "hồi sinh"
Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể xã hội và đặc biệt là được sự hỗ trợ từ Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ (gọi tắt là BMGF-VN), hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh nói chung, nhất là tại các điểm Bưu điện Văn hóa xã (BĐVHX) đã được cải thiện, nâng cấp đáng kể nhằm phục vụ bạn đọc ngày càng tốt hơn.
Bà Phạm Thị Kim - Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết, nhờ sự hỗ trợ của dự án BMGF-VN, đến nay bình quân mỗi điểm BĐVHX có số đầu sách trên 5.000 bản, hơn 20 loại báo, tạp chí chuyên ngành phục vụ bạn đọc. Cũng nhờ vậy, hệ thống thư viện trên địa bàn Đắk Lắk đã tạo ra mối liên kết chặt chẽ với nhau, trong đó Thư viện tỉnh - với vai trò trung tâm đã trực tiếp tham mưu, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho các thư viện cơ sở đặt mua, xử lý kỹ thuật, điều chỉnh các nguồn (sách, báo) phù hợp để nâng cao hiệu quả cho đối tượng được thụ hưởng. Vì vậy các kho sách của thư viện cơ sở, trong đó có các điểm BĐVHX ngày càng có chất lượng cao hơn nhằm phục vụ công chúng. Theo Bà Kim, với phương châm “sách tìm đến với bạn đọc” hầu hết thư viện trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực và bổ ích để thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của bạn đọc ngày càng sôi nổi và rộng khắp hơn.
Đọc sách, báo tại điểm BĐVHX Cư Mút - huyện Ea Kar. |
Từ sự hỗ trợ của BMGF-VN, kết hợp với mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới hiện nay, Thư viện tỉnh đã thực hiện việc luân chuyển, ưu tiên các loại sách, báo cho hơn 40 ĐBĐVHX trên địa bàn. Việc luân chuyển này được thực hiện định kỳ 6 tháng một lần nên thông tin, kiến thức về đời sống sản xuất, những tiến bộ khoa học - kỹ thuật có giá trị luôn được cập nhật. Ông Lê Hữu Cao (thôn 12 xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) ghi nhận: Sách, báo, tạp chí tại điểm BĐVHX thực sự là kho kiến thức phong phú, bổ ích góp phần nâng cao dân trí. Ông Đoàn Văn Thống - Trưởng phòng VH - TT TP. Buôn Ma Thuột cho rằng, không chỉ tạo điều kiện để người dân tiếp cận với những thông tin một cách chính xác và nhanh nhạy, việc đưa sách, báo xuống phục vụ người dân tại các điểm thư viện bưu điện còn giúp thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, tạo sự bình đẳng trong việc hưởng thụ thông tin của người dân. Đối với ngành văn hóa, mô hình thư viện bưu điện giúp khai thác triệt để nguồn sách, báo… nâng cao hiệu quả sử dụng và quan trọng hơn là góp phần tích cực trong việc phát triển văn hóa đọc trong toàn xã hội.
Được biết, việc lắp đặt máy tính nối mạng Internet băng thông rộng và các thiết bị phụ trợ cho các điểm BĐVHX, phục vụ người dân có nhu cầu được miễn phí 100%. Đến nay, trên địa bàn Đắk Lắk có trên 20 điểm BĐVHX có chất lượng (gồm đầu sách, báo, truy nhập Internet đầy đủ) và nhân viên phục vụ đã qua đào tạo nhằm phục vụ tốt nhất cho công chúng, qua đó làm cho các điểm BĐVHX dần trở thành điểm đến hấp dẫn bạn đọc tại địa phương. Với những lợi ích và hiệu quả mà mô hình mang lại, hy vọng rằng “thư viện bưu điện” sẽ thực sự “hồi sinh” và trở thành một điểm sáng trong đời sống sinh hoạt văn hóa của người dân.
Dự án “ Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam’’ được Bộ TT-TT chủ trì và phối hợp với Bộ VH-TT-DL, UBND 40 tỉnh, VNPOST và các đơn vị liên quan triển khai tại 400 điểm thư viện công cộng (cấp tỉnh, huyện) và 1.500 điểm Bưu điện Văn hóa xã và thư viện xã trên địa bàn 40 tỉnh khó khăn tại Việt Nam trong thời gian 5 năm (từ 2011 – 2016). Tổng kinh phí của dự án là hơn 50,5 triệu USD, trong đó tài trợ không hoàn lại của Tổ chức phi Chính phủ Bill & Melinda Gates Foundation (BMGF) gần 30 triệu USD, đóng góp bằng phần mềm của Microsoft hơn 3,6 triệu USD và khoảng 17 triệu USD vốn đối ứng của phía Chính phủ Việt Nam. |
Phương Bối
Ý kiến bạn đọc