Multimedia Đọc Báo in

Văn hóa đọc thời công nghệ số

14:31, 20/04/2016
Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, có ý kiến lo ngại rằng sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet và công nghệ số sẽ khiến cho thói quen đọc sách mai một dần, thay vào đó là sự lấn át của văn hóa nghe nhìn.
 
Ngược lại, cũng có quan điểm cho rằng văn hóa đọc không mất đi, mà có những cách tiếp cận mới để phù hợp với xu thế phát triển và vấn đề là ở thói quen đọc sách, xu hướng lựa chọn sách của mỗi người.

Tôi có may mắn được quen biết một số nhà văn, nhà thơ – những người thuộc tuýp viết sách và đọc sách miệt mài; và một trong những đặc điểm chung dễ nhận thấy đó là thói quen “tàng trữ” sách: nhà của ai cũng có tủ sách lớn, với đủ loại từ sách triết học, lịch sử, cho đến văn học, chính trị... Và đến nay, trong thời đại @ thì việc đọc sách của những vị cao niên ở bậc cha chú này vẫn không có gì thay đổi, vẫn đọc theo cách đọc truyền thống - dù có cụ cũng biết sử dụng máy tính lên mạng tra cứu, tìm tư liệu. “Ngoài việc ra hiệu sách tìm mua, sau khi về hưu tôi có nhiều thời gian để lên thư viện mượn sách hơn. Tôi thường tìm đọc những sách viết về lịch sử, chiến tranh, hồi ký. Đọc sách ngoài việc để bổ sung kiến thức, hiểu biết, mà còn là phương pháp rèn luyện sức khỏe giúp trí não giữ được sự minh mẫn...”, một bậc cao niên chia sẻ. Còn với ông Bùi Đức Minh (56 tuổi) là kỹ sư điện tử, hiện đang công tác tại Phòng Hành chính, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bên cạnh việc đọc các tác phẩm văn học kinh điển, ông thường tìm đến các sách chuyên ngành về điện tử để cập nhật những kiến thức, sản phẩm, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới từ đó áp dụng vào công việc của mình được tốt hơn…

Đối với giới trẻ, dường như việc đọc sách đã có những thay đổi nhất định bởi sự xuất hiện của ebook (sách điện tử). Chỉ cần một phương tiện cầm tay nhỏ gọn như chiếc điện thoại, máy tính bảng, thiết bị đọc ebook... là có thể có cả “thư viện” khổng lồ với hàng ngàn, hàng vạn cuốn sách trong tay. Với dung lượng lớn, mua bán nhanh chóng, thuận tiện, ebook được lựa chọn như một giải pháp đọc sách tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Đa số sinh viên, công chức, đặc biệt là ở các thành phố đã không còn xa lạ gì với việc sử dụng ebook để học tập, nghiên cứu, giải trí... Tuy vậy, việc lựa chọn đọc ebook không phải lúc nào cũng được giới trẻ ưu tiên hàng đầu. Em Lê Thị Liên, sinh viên lớp Văn học K13, Khoa Sư phạm, Trường Đại học Tây Nguyên tâm sự: “Mặc dù thường xuyên phải tham khảo tài liệu trên mạng và đọc ebook khá nhiều, nhưng em vẫn thích đọc sách in hơn cả, vì cảm giác cầm quyển sách trên tay thấy chân thật hơn, mỗi khi lật một trang sách lại có thời gian để nghiền ngẫm, suy nghĩ về những điều mình vừa đọc.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một thực tế là nhiều người chỉ tìm đến sách khi cần thông tin cho học tập, công việc, chứ không tạo thành thói quen. Ngoài ra, sự “lép vế” của những cuốn sách văn học kinh điển, những cuốn sách có giá trị tri thức trước dòng sách thị trường mang tính giải trí, thời vụ và tình trạng sách lậu tràn lan cũng là điều đáng nói. Đã có các tác phẩm văn chương đoạt giải của các giải thưởng văn học uy tín, những cuốn sách được xếp vào hàng sách hay trên thế giới, thế nhưng tại các nhà sách vẫn bị tồn kho, phải xếp vào loại sách giảm giá; trong khi đó, nhiều tiểu thuyết diễm tình, những tập truyện chứa đầy yếu tố giật gân, bạo lực thì lại được ưa chuộng và bán rất chạy...

Bà Nguyễn Thị Thắm, Cửa hàng trưởng Nhà sách Fahasa Buôn Ma Thuột cho biết: Theo xu hướng hiện nay, đối tượng đến nhà sách nhiều nhất đó là thanh niên, văn học “teen” (lứa tuổi thanh xuân) được bạn đọc lựa chọn rất nhiều. Văn học trong nước như một số truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng được bạn đọc rất quan tâm, như cuốn “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, sau khi được dựng thành phim và công chiếu thì đã có rất nhiều bạn đọc tìm mua. Hiện nay sách văn học Việt Nam đã bắt đầu dần chiếm ưu thế, đây cũng là điều đáng mừng…”.

Thiết nghĩ văn hóa đọc không phải chỉ là đọc một vài cuốn sách để cho có, mà phải xuất phát từ sự quan tâm, yêu thích và là cả một quá trình dài lâu, do vậy cần có sự định hướng, tạo điều kiện cho việc đọc sách ngay từ trong gia đình, nhà trường và xã hội.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.