Multimedia Đọc Báo in

Ấm tình người trong cơn đại hạn

11:22, 26/05/2016

Giữa những khó khăn, vất vả tìm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và tưới cho cây trồng trước cơn đại hạn, nhiều hộ dân nghèo trên địa bàn xã Ea M’dróh (huyện Cư M’gar) nói riêng, người dân toàn tỉnh nói chung cảm thấy ấm lòng trước sự sẻ chia khi nhận được những món quà hỗ trợ từ Đoàn công tác của TP. Hồ Chí Minh.

Mới đây, Đoàn công tác của lãnh đạo Thành ủy, UBND và Ủy Ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh do ông Nguyễn Thành Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh làm Trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, tặng quà các hộ dân bị thiệt hại do hạn hán gây ra. Số tiền ủng hộ 1,5 tỷ đồng không phải là nhiều nếu so với tổng thiệt hại trên địa bàn tỉnh đã lên đến hơn 2.166 tỷ đồng (tính đến giữa tháng 5-2016), nhưng đó là tấm lòng, sự sẻ chia của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thành phố mang tên Bác với người dân vùng hạn Đắk Lắk. Điều đáng quý hơn nữa khi Đoàn đã đến thăm hỏi và trao tận tay những món quà tặng cho người dân bị thiệt hại tài sản do hạn hán ở xã Ea M’dróh. Đó không chỉ là số tiền nhỏ (500.000 đồng) và những nhu yếu phẩm cần thiết trong đời sống như gạo, mì tôm, bột ngọt, dầu ăn… mà các hộ dân nghèo ở đây nhận được là tình người, sự an ủi, động viên tinh thần để họ có thêm nghị lực tiếp tục phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Đoàn lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh và của tỉnh đến thăm hỏi,  động viên người dân vùng hạn xã Ea M'dróh (huyện Cư M'gar).
Đoàn lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh và của tỉnh đến thăm hỏi, động viên người dân vùng hạn xã Ea M'dróh (huyện Cư M'gar).

Đến UBND xã từ sáng sớm để đợi nhận quà, chị H’Nép (buôn D’hung, xã Ea M’dróh) chia sẻ, gia đình thuộc hộ nghèo, có 5 sào đất sỏi, khô cằn nên hằng năm chỉ có thể trồng ngô, sắn; năm nay chẳng thể thu hoạch bởi thời tiết quá nắng hạn không có nguồn nước tưới, coi như mất trắng. Do đó, khi nhận được thông báo đến nhận quà, cả nhà rất phấn khởi bởi nó có thể giúp cả gia đình vượt qua khó khăn trước mắt. Hay như với vợ chồng ông Y B’hớt Niê (buôn Ea M’dróh), đón Đoàn lãnh đạo đến thăm hỏi và tặng quà trong ngôi nhà được hỗ trợ xây dựng theo Chương trình 134, ông Y B’hớt không giấu được nỗi buồn khi kể về những thiệt hại do hạn hán gây ra: “Cả gia đình gồm 2 vợ chồng già và 7 đứa con đều trông chờ vào 1 ha đất trồng cà phê và điều. Nắng hạn khiến gần một nửa diện tích cây trồng bị chết, số còn lại cũng chẳng ra quả nên cuộc sống cả nhà lao đao. Vợ chồng ông và các con phải thay nhau đi làm thuê để trang trải chi phí ăn uống, học hành. Không những thế, nguồn nước giếng dùng trong sinh hoạt hằng ngày cũng khô cạn nên hằng ngày gia đình ông phải đi xin nhờ nước ở các hộ khác để tắm giặt; riêng nước uống và nấu ăn phải đi mua từng bình về sử dụng. Có thể nói, hoàn cảnh của chị H’Nép và ông Y B’hớt chỉ là 2 trong số hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã chịu thiệt hại do hạn hán. Theo số liệu thống kê của UBND xã, diện tích cây trồng bị thiệt hại hơn 1.450 ha với 150 ha bị mất trắng; 750 hộ dân thiếu nước sinh hoạt…

Tận mắt chứng kiến những thiệt hại và khó khăn, vất vả của người dân vùng hạn, ông Nguyễn Thành Phong bày tỏ, có đến tận nơi, cùng trò chuyện với người dân mới cảm nhận được những gì họ đã trải qua. Không chỉ lo thiếu cái ăn, cái mặc mà trầm trọng hơn là phải đối diện và tìm cách để có nguồn nước phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu cho cây trồng bởi với người dân trồng cà phê, hồ tiêu, cao su, điều thì nếu cây trồng bị chết thiệt hại sẽ kéo dài từ 3 đến 5 năm mới có thể phục hồi. Ông mong muốn rằng, người dân sẽ tiếp tục chống chọi, vững vàng vượt qua khó khăn trước mắt, kiên trì đầu tư phát triển kinh tế. Quả thật, đây không chỉ là hành động sẻ chia tổn thất về tài sản với bà con vùng hạn mà còn sưởi ấm tình người, giúp họ có thêm động lực vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Trước tình cảm đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Y Dec H’đơk cho biết: “Với số tiền 1,5 tỷ đồng của TP. Hồ Chí Minh và 1 tỷ đồng của Ủy ban MTTQ TP. Hà Nội hỗ trợ, Ban cứu trợ MTTQ tỉnh sẽ giải ngân giúp bà con các huyện, thị xã, thành phố khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống và sản xuất”.

Có thể, những thiệt hại về tài sản của nhân dân sẽ tiếp tục tăng lên, số hộ thiếu nguồn nước sử dụng sinh hoạt và sản xuất còn nhiều hơn nữa, nhưng với sự động viên, chia sẻ khó khăn của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân TP. Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung, người dân vùng hạn sẽ không đơn độc chống chọi trước mọi thiên tai, thảm họa từ thiên nhiên.

Thúy Hồng

 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.