Bến nước không còn… nước
Lễ cúng bến nước - một nét đẹp văn hóa của đồng bào Êđê được người dân 2 buôn H'ra Ea Tla và H’ra Ea H’ning (xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin) bảo tồn, phát huy nhiều năm qua nhưng hiện đang đứng trước nguy cơ biến mất khi mà bến nước không còn nước.
Cách đây vài ngày, một người quen ở buôn H’ra Ea Tla gọi điện thoại thông báo: “Bến nước của buôn cạn rồi”. Nghe vậy, tôi cùng người bạn công tác trong ngành Văn hóa tức tốc về tìm hiểu. Tiếp chúng tôi trong căn nhà dài - nơi cách đây tròn 2 tháng diễn ra một số nghi thức của lễ cúng bến nước, ông Y Tư Knul - chủ bến nước buồn bã nói: “Mấy ngày nay, bến nước cạn khô, bà con phải bơm nước từ giếng đào để sử dụng. Chưa năm nào bến nước cạn nước, vậy mà năm nay…!”. Không riêng chủ bến nước, nhiều người trong buôn H’ra Ea Tla “thẫn thờ” khi từ bỏ thói quen mỗi ngày ra bến nước “cõng nước” về sinh hoạt.
Theo bà H’Brơng Bdap - vợ ông Y Tư Knul, trước đây, khi kết thúc mùa rẫy, bố mẹ bà đều tổ chức lễ cúng bến nước (Tuh pin êa) nhằm cúng tạ thần linh đã đem lại những may mắn trong năm cũ và cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi cho năm sau, mọi người trong buôn được khỏe mạnh, lúa bắp đầy kho, nhà nhà no đủ. Sau này do kinh tế khó khăn, vợ chồng chị không tổ chức lễ cúng bến nước thường xuyên. Năm 2007 (huyện Cư Kuin thành lập), ngành Văn hóa đã tham mưu cho UBND huyện phục dựng lại một số lễ hội, trong đó có Lễ cúng bến nước ở hai buôn H’ra Ea Tla và H’ra Ea H’ning. Lúc đầu, 2 buôn cùng tổ chức Lễ cúng bến nước vào dịp kỷ niệm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (trùng thời điểm sau mùa rẫy) để tạ ơn thần linh, nhưng do một số yếu tố khách quan 2 buôn luân phiên tổ chức.
Người dân buôn H'ra Ea Tla (huyện Cư Kuin) trên đường ra bến nước để thực hiện nghi thức cúng. |
Là người tham mưu cho huyện hỗ trợ kinh phí phục dựng lễ cúng bến nước ở xã Dray Bhăng, ông Nguyễn Đức Hanh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện nhận định, việc bảo tồn, gìn giữ không gian văn hóa buôn làng, trong đó có lễ cúng bến nước ở huyện Cư Kuin đang đối mặt với nhiều khó khăn trước những tác động tiêu cực của đời sống xã hội và nhất là trước “cơn lốc” độ thi hóa mạnh mẽ. Nạn phá rừng, hủy hoại môi trường khiến mạch nước ngầm dần cạn kiệt, nước sinh hoạt ngày càng thiếu, Chưa kể xung quanh khu vực đầu nguồn bến nước, bà con trồng các loại cây công nghiệp dài ngày dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm phân bón, thuốc trừ sâu. Điều lo lắng này đã trở thành sự thực khi bến nước buôn H’ra Ea Tla cạn nước.
Không phải bây giờ mà từ xa xưa, đồng bào Êđê đã rất có ý thức bảo vệ nguồn nước. Đồng bào có lời nói vần răn dạy con cháu: "Bảo vệ nguồn nước, sông suối là bảo vệ rừng/Bảo vệ nguồn nước là bảo vệ sức khỏe cộng đồng/Bảo vệ nguồn nước là bảo vệ mùa màng”. Bến nước là nơi thiêng liêng, người dân trong buôn không ai được phép làm ô uế nguồn nước, ai vi phạm sẽ bị xử phạt thật nặng theo luật tục. Ngoài ý nghĩa tâm linh, lễ cúng bến nước của đồng bào Ê đê còn có ý nghĩa giáo dục mọi người có trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ rừng, bảo vệ đất đai, bảo vệ tài nguyên nước. Vì vậy mà nó cần phải được bảo tồn và giữ gìn. “Ngoài nâng cao ý thức của mỗi người dân, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn để có thái độ ứng xử với việc giữ gìn, bảo tồn lễ hội cúng bến nước nói riêng và giữ gìn không gian văn hóa buôn làng truyền thống trước biến chuyển của đời sống đương đại. Nếu không có giải pháp đồng bộ chắc chắn lễ cúng bến nước ở 2 buôn của xã Dray Bhăng (trong tổng số 27 buôn của người Êđê trên địa bàn huyện) sẽ không còn khi mà nguồn nước bị khô kiệt, không thể bơm nước vào bến nước để tổ chức lễ cúng”, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Nguyễn Đức Hanh trăn trở.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc