Cần duy trì đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS
Đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng tham gia phòng, chống HIV/AIDS đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, cung cấp các dịch vụ dự phòng và chăm sóc toàn diện tại nhà cho người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Tuy nhiên, hoạt động của đội ngũ này hiện nay đang gặp không ít khó khăn do nguồn kinh phí chủ yếu từ các tổ chức quốc tế bị cắt hẳn từ đầu năm 2016.
Thành phần tham gia hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS trong đội ngũ này là những người nhiễm HIV, những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nên họ rất hiểu nhu cầu, hoàn cảnh của những người nhiễm HIV trong cộng đồng, nhờ đó có thể hỗ trợ, chia sẻ, kết nối hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Họ là cầu nối giữa cộng đồng những người nhiễm HIV, những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS với các cấp chính quyền và còn là đối tác với các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các dự án, các cá nhân… trong triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng tham gia nhiều hoạt động như truyền thông và giáo dục thay đổi hành vi của những người nhiễm HIV; chống kỳ thị, phân biệt đối xử trong cộng đồng; thực hiện các can thiệp dự phòng, điều trị, chăm sóc, dinh dưỡng cho người nhiễm HIV...
Từ cuối năm 2015 về trước, được tài trợ bởi Dự án Quỹ Toàn cầu về Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã xây dựng được một đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng gồm 12 người, chia thành 2 nhóm để tiếp cận các nhóm đối tượng: Tiêm chích ma túy và gái mại dâm; cung cấp cho các đối tượng này bao cao su, bơm kim tiêm…, vận động tuyên truyền, cung cấp kiến thức cơ bản về phòng, chống HIV/AIDS và giới thiệu các đối tượng trên đến phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện (VCT) để lấy máu xét nghiệm tìm kháng thể HIV nhằm phát hiện sớm bệnh. Các nhân viên tiếp cận cộng đồng được hưởng phụ cấp tài trợ hằng tháng theo số lượng đối tượng được giới thiệu đến phòng xét nghiệm tự nguyện. Theo thống kê, hằng tuần bình quân có khoảng 100 lượt đối tượng đến phòng VCT để được tư vấn, xét nghiệm; nhờ vậy, dễ dàng quản lý theo dõi điều trị hoặc chuyển gửi đến các cơ sở điều trị trong tỉnh đối với những trường hợp phát hiện dương tính với HIV. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2016 hoạt động của Dự án Quỹ Toàn cầu kết thúc, không còn kinh phí chi trả cho hoạt động của đội ngũ này thì việc giới thiệu các đối tượng đến xét nghiệm, tư vấn tại phòng VCT thưa dần và hiện nay gần như không còn ai giới thiệu các đối tượng đến nữa. Số lượng các đối tượng nguy cơ cao đến xét nghiệm tư vấn hiện rất ít, chỉ bằng 1/5 so với trước đây khi đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng còn hoạt động.
Rõ ràng, rất cần thiết phải có một đội ngũ làm công tác tiếp cận cộng đồng về phòng, chống HIV/AIDS để góp phần hạn chế lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Thiết nghĩ, cần sớm xây dựng, củng cố lại đội ngũ này; tìm nguồn hỗ trợ tài chính cho các tổ chức xã hội từ ngân sách địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án viện trợ; huy động nhiều hơn nữa sự tham gia của các tổ chức xã hội khác thông qua các hình thức như tăng cường cung cấp, chia sẻ thông tin; tăng cường phối hợp giữa hệ thống y tế và hệ thống cộng đồng...
Nguyễn Công Thành
Ý kiến bạn đọc