Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo cà phê Container trên Ban Mê

10:18, 04/05/2016

Nằm ở cuối đường Bùi Hữu Nghĩa (TP. Buôn Ma Thuột), thời gian gần đây, quán cà phê Container là một trong những địa điểm ấn tượng được nhiều người yêu thích bởi sự mới lạ của nó.

Biến “công” thành quán

Cà phê Container được 2 vợ chồng trẻ là anh Trần Xuân Thể và chị Nguyễn Thị Hải Hồng (phường Tân Thành) hoàn thành trong 7 tháng. Vốn là kiến trúc sư, anh Thể muốn mở một quán cà phê để kinh doanh ổn định, nhưng phải là quán mang phong cách lạ, nhằm mang lại điều mới mẻ cho những người yêu thích cà phê ở Ban Mê. Sau nhiều tháng nghiên cứu, tìm hiểu thông tin trên Internet, anh thấy việc làm quán cà phê bằng thùng container rất mới, khá hấp dẫn nên lên ý tưởng thực hiện và nhận được nhiều sự ủng hộ. Ngay sau khi khai trương vào tháng 12-2015, mô hình cà phê sáng tạo này đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của nhiều khách hàng bởi ít ai nghĩ những chiếc thùng container thô kệch có thể trở thành căn phòng uống cà phê lãng mạn như thế.

Quán cà phê Container thu hút khách nhờ phong cách độc đáo
Quán cà phê Container thu hút khách nhờ phong cách độc đáo.

Với mục đích không chỉ là điểm thưởng thức cà phê mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu của mọi người, trên diện tích rộng gần 200 m2, quán được chia làm hai tầng với 2 phong cách riêng biệt. Nếu tầng 1 là không gian thoáng mát, gần gũi với thiên nhiên qua hệ thống cây xanh được sắp xếp hợp lý thì tầng 2 lại được thiết kế ngồi bệt thích hợp cho những cuộc nói chuyện, họp mặt và những buổi sinh nhật. Anh Thể cho biết, khó khăn lớn nhất khi xây dựng quán là việc xử lý nhiệt độ, bởi container có chiều cao hạn chế, sắt lại là nguyên liệu dễ hấp thụ nhiệt nên dễ gây nóng bức. Để khắc phục nhược điểm này, anh đã sử dụng tấm cách nhiệt phía trong vỏ container, đồng thời trang trí nhiều cây xanh và làm nhiều cửa sổ để tạo độ thoáng mát và có thể lấy thêm nhiều ánh sáng tự nhiên.

Một điểm làm nên sự đặc trưng của quán là nhiều bàn, ghế được làm bằng vỏ, lốp xe đã qua sử dụng. Việc dùng vật liệu tái chế không chỉ tiết kiệm được chi phí mà còn thân thiện với môi trường. Chính sự sắp xếp hài hòa, cân đối ấy đã mang lại cho khách cảm giác thư thái, thoải mái khi tận hưởng những thức uống nhiều màu sắc nơi đây. Là khách hàng thường xuyên của quán, anh Trần Xuân Nghị (phường Tân Thành) chia sẻ: “Tại cà phê Container, tôi được thưởng thức cà phê nguyên chất với mùi thơm nhẹ nhàng, vị đắng dịu, chua thanh. Uống lần đầu có thể sẽ không cảm thấy ngon nhưng nếu uống vài lần sẽ nhận thấy rõ sự khác biệt. Ngoài ra, quán có cả không gian để đọc sách, khu vui chơi cho trẻ em nên rất thích hợp cho những buổi thư giãn cuối tuần của gia đình”.

Chia sẻ yêu thương

Không chỉ thu hút nhiều thành phần khách từ học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng hay những người thuộc lứa tuổi trung niên, cà phê Container còn là nơi gặp gỡ của nhiều bạn trẻ yêu thích các hoạt động tình nguyện. Vốn là những thành viên tích cực của nhóm thiện nguyện “Vòng tay yêu thương” nên khi tiến hành xây dựng quán, anh Thể và chị Hồng đã dành hẳn khoảng không gian để xây 1 căn bếp nấu cơm từ thiện. Khi căn bếp hoàn thành cũng là lúc chương trình “Chén cơm yêu thương” của nhóm ra đời với mục đích hỗ trợ các suất cơm giá rẻ cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn và bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Cứ 2 tuần 1 lần, vào buổi trưa ngày chủ nhật, nhóm sẽ tổ chức nấu và bán các suất cơm giá 5.000 đồng với sự tham gia của từ 10-20 thành viên. Ngoài những bạn nhận nhiệm vụ nấu nướng số thành viên còn lại sẽ chia thành 2 nhóm. Một nhóm đến các khoa ở bệnh viện để phát phiếu cơm, nhóm còn lại đi dọc các con đường xung quanh khu vực bệnh viện để phát phiếu và hướng dẫn họ đến quán để nhận cơm. Chương trình này không chỉ là cơ hội cho nhiều người lao động nghèo tiếp nhận những suất ăn giá rẻ mà còn giúp họ cảm thấy thoải mái hơn khi nhận cơm và gây dựng một phần quỹ cho các hoạt động của đợt sau. Có mặt ở quán từ rất sớm, bạn Nguyễn Thị Thùy Linh (Trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk) tâm sự: “Chương trình “Chén cơm yêu thương” là hoạt động rất ý nghĩa nên tranh thủ ngày nghỉ mình đến đây để phụ giúp mọi người. Ngày hôm nay, số bạn tham gia đông hơn trước nên chỉ sau 2 giờ đồng hồ, đã hoàn thành hơn 60 suất cơm. Mong rằng sẽ có nhiều tấm lòng hảo tâm cùng chung tay hỗ trợ để chúng tôi có thể nấu thêm nhiều phần cơm giúp cho những người gặp khó khăn”.

Theo anh Nguyễn Duy Học, trưởng nhóm “Vòng tay yêu thương” thì hoạt động nấu cơm từ thiện đã được nhóm duy trì trong nhiều năm nay. Cứ đều đặn mỗi tháng hai lần nhóm lại tổ chức nấu và trao những suất cơm miễn phí tận tay bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Xuất phát từ đó, nhóm tổ chức chương trình nấu và bán cơm giá rẻ với mong muốn có thể giúp đỡ nhiều hơn những người có hoàn cảnh khó khăn. Và cà phê Container là địa điểm giúp nhóm có thể duy trì hoạt động này. Đây không chỉ là nơi để các thành viên trong nhóm gặp gỡ, giao lưu mà còn là địa chỉ cho các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm tìm đến quyên góp, làm từ thiện. Bởi vậy, khi vận động được nguồn kinh phí, nhóm còn lặn lội đến vùng sâu vùng xa trên địa bàn để trao cho trẻ em và người dân nơi đây những món quà như quần áo, sách vở, lương thực, đồ dùng thiết yếu … Tuy giá trị vật chất không lớn nhưng cũng đủ sưởi ấm lòng  người nghèo.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.