Giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ
Trở về từ chiến trường ác liệt, những người lính năm xưa tiếp tục phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ làm chủ trên mặt trận kinh tế, đóng góp vào sự phát triển của quê hương, đất nước.
Ông Bùi Đình Sơn chăm sóc vườn dâu tằm. |
Đến thăm nhà cựu chiến binh (CCB) Bùi Đình Sơn ở buôn M’Duk, phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) vào những ngày cuối tháng tư, được nghe câu chuyện về những thăng trầm trong cuộc sống của ông, chúng tôi càng thêm cảm phục ý chí và nghị lực của người lính bộ đội Cụ Hồ kiên cường, anh dũng. Cũng như bao thanh niên trai tráng trong làng, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Sơn lên đường nhập ngũ và tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Củ Chi. Sau giải phóng ông cùng gia đình lập nghiệp trên cao nguyên Đà Lạt và gây dựng được một cơ sở thu mua nông sản. Năm 2000, khi giá cà phê sụt giảm mạnh, cơ nghiệp của hai vợ chồng ông dày công xây dựng bị tiêu tan trong chớp mắt, gia đình ông phải dắt nhau về Đắk Lắk sinh sống. Tham gia sinh hoạt tại Hội CCB phường Ea Tam, nhờ sự giúp đỡ của đồng đội, năm 2006 ông được vay một số vốn và thử trồng hoa cúc trên 700 m2 đất. Sau 2 năm chăm chỉ làm lụng, ông Sơn dành dụm được một số vốn và mở rộng thêm 5.000 m2 đất trồng hoa và chăn nuôi heo. Đầu năm 2015, ông Sơn tiếp tục thuê 5.000 m2 đất để trồng dâu nuôi tằm. Sau hơn 1 năm, mô hình này đã cho gia đình ông thu nhập 15 triệu đồng/tháng. Từ thành công ban đầu, nhiều hội viên CCB tìm đến học hỏi mô hình và được ông Sơn trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho những ai có nhu cầu nuôi và bán tằm. Ông Sơn cho hay: “Trồng dâu nuôi tằm theo kinh nghiệm ngày xưa rất vất vả, thu nhập lại không cao, nhưng ngày nay, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật theo công nghệ Nhật Bản, cùng sự lai tạo của giống dâu giúp giảm nhân công thu hái lá, chất lượng kén tằm cũng nâng lên, chi phí đầu tư ít, lợi nhuận cũng cao hơn trước”.
Tham gia kháng chiến chống Mỹ vào năm 1971, hiện ông Đỗ Quý Điển là hội viên Chi hội CCB thôn 4, xã Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột). Vừa đi đầu trong các hoạt động của hội, ông Điển cũng là điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã. Nói về chuyện hiến 200 trụ tiêu trồng năm thứ 8 đang cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm và 400 m2 đất trị giá trên 250 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn, ông Điển chia sẻ: “Trong thời chiến chúng tôi là người lính không hề tiếc máu xương vì độc lập dân tộc. Nay sống giữa thời bình, lại là người đảng viên nên khi có chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm phục vụ cho lợi ích của người dân mình đều gương mẫu hưởng ứng”. Quả đúng như vậy, khi chính quyền địa phương phát động làm đường giao thông nông thôn, nhiều hộ dân ban đầu còn lưỡng lự, nhưng khi thấy gia đình ông Điển tự nguyện hiến số tài sản lớn để phục vụ lợi ích chung nên mọi người đều đồng lòng hưởng ứng. Theo ông Hoàng Biên Thùy, Chủ tịch Hội CBB xã Hòa Xuân, ngoài ông Đỗ Quý Điển còn có nhiều hội viên CCB hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích chung của cộng đồng.
...kiểm tra thức ăn cho tằm |
Ông Nguyễn Xuân Thụ, Phó Chủ tịch Hội CCB TP. Buôn Ma Thuột cho biết, từ năm 2011 đến 2015 bằng các nguồn vốn, Hội CCB thành phố đã giúp các hội viên xóa 28 nhà tạm, với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng. Riêng hội viên CCB đóng góp 585 triệu đồng và hơn 200 ngày công xây dựng 17 căn nhà Nghĩa tình đồng đội trong chương trình xóa nhà tạm. Phong trào “CCB chung tay xây dựng nông thôn mới” cũng được các cấp hội đẩy mạnh. Trong 5 năm qua, hội đã vận động hội viên trực tiếp thi công trên 14km đường bê tông, 1 cây cầu, với số tiền trên 4 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công… Cùng với đó, sự ra đời của “Câu lạc bộ doanh nghiệp CCB thành phố” đã đóng vai trò quan trọng trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của Hội. Đến nay, Câu lạc bộ doanh nghiệp CCB đã củng cố và đưa vào hoạt động có hiệu quả 7 trang trại, gia trại; 7 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ, kinh doanh làm nòng cốt trong phong trào “ Xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ” …
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc