Multimedia Đọc Báo in

Cần tháo gỡ khó khăn nhu cầu về vốn vay cho thanh niên

08:38, 17/05/2016

Mặc dù các nguồn vốn phục vụ cho thanh niên vay để lập thân, lập nghiệp hằng năm là không ít, nhưng số thanh niên được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu thực tế.

Theo thống kê của Tỉnh Đoàn, toàn tỉnh hiện có 124.219 đoàn viên thanh niên (ĐVTN); trong đó có 37.127 ĐVTN nông thôn, 8.495 ĐVTN đô thị. Tính đến cuối tháng 3-2016, toàn tỉnh có 23.701 hộ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thông qua nhiều kênh như: Vốn vay giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (vốn 120), vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn “Khởi nghiệp” do Tỉnh Đoàn phát động... Theo đánh giá, đa số các nguồn vốn trên đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp hàng ngàn gia đình thanh niên làm chủ hộ, trong đó có nhiều thanh niên nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Đơn cử như mô hình nuôi gà siêu thịt của anh Đoàn Tâm Kê (huyện Ea Kar), cho thu nhập trên 700 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 5 thanh niên địa phương với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng; mô hình nuôi heo và bồ câu Pháp của anh Nguyễn Đăng Vinh (huyện Ea Súp) cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm; mô hình trồng cà phê kết hợp nuôi heo, bò, gà của gia đình anh Y Ngoắt Niê (huyện Ea H’leo), thu nhập trên 500 triệu đồng/năm; mô hình trồng tiêu bền vững của anh Nguyễn Văn Phước (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) đem lại thu nhập trên 500 triệu đồng/năm…

ĐVTN tham quan một buổi học tại Trường Cao đẳng Nghề Đắk Lắk.
ĐVTN tham quan một buổi học tại Trường Cao đẳng Nghề Đắk Lắk.

Rõ ràng, hiệu quả từ các nguồn vốn vay mang lại rất thiết thực, giúp nhiều ĐVTN mạnh dạn đầu tư kinh doanh, mở rộng sản xuất, tuy nhiên công tác trợ vốn vẫn chưa đủ "lực" như mong muốn. Số ĐVTN được vay vốn còn khá khiêm tốn so với tổng số thanh niên trong toàn tỉnh. Nhiều thanh niên có ý chí, vạch được kế hoạch làm giàu nhưng rất khó lập nghiệp do… thiếu vốn! Anh Nông Văn Việt (được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải thưởng Lương Đình Của năm 2012) - một triệu phú trẻ từ mô hình trang trại tổng hợp ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn tâm sự: “Ở địa phương mình nhiều bạn trẻ có đất và rất "máu" làm giàu nhưng vẫn loay hoay mãi không khá lên được do không đủ vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Hơn nữa, với mức vay tối đa không quá 30 triệu đồng/thanh niên/1 kênh vốn thì rất khó để thanh niên nghèo xây dựng một mô hình phát triển kinh tế hoàn chỉnh bởi để phát triển một mô hình trang trại, phải có ít nhất khoảng 100 triệu đồng nguồn vốn khởi đầu. Số tiền được vay chỉ đủ mua cây, con giống, còn lại cơ sở vật chất, thức ăn, phân bón không biết xoay từ đâu?”. Còn bạn H'Zen Adrơng (ở xã Ea Bông, huyện Krông Ana) cho biết, việc tiếp cận nguồn vốn của thanh niên nông thôn gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2013, sau khi học xong nghề trồng nấm ở Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana, chị cần vốn đầu tư phát triển sản xuất nên phải làm đề án và mất vài tháng mới nhận được nguồn vốn vay vì phải qua nhiều lần thẩm định và phê duyệt tính khả thi của đề án. "Với 25 triệu đồng vay được cũng chỉ đáp ứng được một nửa số vốn theo tính toán đầu tư. Tôi muốn vay thêm nhưng không có tài sản thế chấp nên đành chịu" - H'Zen trăn trở.

Hội LHTN Việt Nam tỉnh trao vốn “Khởi nghiệp” cho thanh niên hoàn lương.
Hội LHTN Việt Nam tỉnh trao vốn “Khởi nghiệp” cho thanh niên hoàn lương.

Theo tìm hiểu, có nhiều rào cản khiến thanh niên khó tiếp cận được các nguồn vốn như: Điều kiện để được vay vốn, vốn cho vay phải xoay vòng, nhu cầu vay rất lớn trong khi nguồn vốn vay có hạn... Trên thực tế, nhiều ĐVTN muốn vay vốn nhưng đa phần sống cùng với gia đình nên không có tài sản để thế chấp ngân hàng. Vì thế không ít ĐVTN có dự án, mô hình kinh tế khá tốt, nhưng không thể tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ. Anh Y Nhuân Byă, Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh nhìn nhận: “Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ thanh niên vay vốn; đồng thời phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay. Hiện nay, toàn tỉnh có 696 tổ tiết kiệm và vay vốn, với tổng dư nợ trên 301 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nguồn vốn vay còn hạn chế, đối tượng vay còn bó hẹp, cùng với một số Đoàn cơ sở còn chưa nhiệt tình với công tác này, nên chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu vốn của thanh niên”.

Để giúp ĐVTN phát triển kinh tế, tổ chức Đoàn cần quan tâm hơn nữa việc triển khai thực hiện chính sách vay vốn, giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, mở rộng cả về nguồn vốn và hình thức cho vay. Đặc biệt, tổ chức Đoàn cơ sở cần định hướng cho ĐVTN phát triển những mô hình sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương và nhu cầu thị trường, để thanh niên nông thôn có điều kiện phát triển kinh tế, làm giàu trên chính quê hương của mình.        

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.