Multimedia Đọc Báo in

Học và làm theo gương Bác

15:49, 18/05/2016

Học và làm theo lời Bác chẳng phải là những gì cao xa, mà chính là học từ tác phong, cách suy nghĩ, việc làm của Người ngay trong những công việc cụ thể, bình dị hằng ngày…

Nữ bác sĩ trẻ “mê” công tác tình nguyện

Năm 2014, sau khi tốt nghiệp tại Học viện Quân y, bác sĩ Lê Trương Tuyết Minh về nhận công tác tại khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Cũng giống như ở các khoa, phòng khác của bệnh viện, một ngày ở khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh được bắt đầu bằng không khí làm việc tất bật của các y bác sĩ. Sự tất bật này một phần do đặc thù công việc, quá tải bệnh nhân, một phần khác là do những khó khăn thiếu thốn của cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Thật khó có thể thấu hiểu được những nhọc nhằn, vất vả của các bác sĩ nhi khoa nếu như không tận mắt thấy công việc mà họ làm. Khổ nhất là những đợt dịch, bệnh nhân sốt cao và nhập viện liên tục nên bác sĩ vừa phải trực cả nhi và sơ sinh, vừa phải hội chẩn và làm việc với các khoa khác, ai cũng mệt mỏi và căng thẳng, thậm chí có đêm không chợp mắt được tí nào. Không chỉ thế, áp lực còn rất nặng nề bởi nhiều bệnh nhi suy hô hấp, đẻ non… nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời, nguy cơ tử vong rất lớn. Vậy mà khi tiếp xúc với bệnh nhân và thân nhân người bệnh, bác sĩ Minh và những người thầy thuốc nơi đây vẫn luôn ứng xử hòa nhã, thân thiện và giành thời gian giải đáp những thắc mắc, lo lắng của họ. Theo bác sĩ, ngoài những kiến thức được học ở nhà trường, phải luôn chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, mở rộng kiến thức qua sách, báo, mạng internet và rèn luyện tác phong làm việc, thái độ phục vụ người bệnh, bởi phục vụ và chăm sóc người bệnh không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào của những người làm nghề y.

Bác sĩ Minh ân cần thăm khám cho bệnh nhân điều trị tại khoa. Ảnh: K.O
Bác sĩ Minh ân cần thăm khám cho bệnh nhân điều trị tại khoa. Ảnh: K.O

Tận tụy với công việc chuyên môn, bác sĩ Lê Trương Tuyết Minh còn say mê công tác tình nguyện. Dù thường xuyên phải trực đêm, thậm chí có những đêm mệt nhoài vì cấp cứu bệnh nhi, nhưng hầu hết những chuyến đi khám chữa bệnh tình nguyện của Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh cô đều góp mặt. Bác sĩ Minh chia sẻ: “Càng đi nhiều em càng thấy những đóng góp của mình quá bé nhỏ so với những khó khăn, thiếu thốn của người dân vùng sâu”. Cũng bởi suy nghĩ ấy mà dù bị say xe cô bác sĩ trẻ vẫn chẳng ngại ngần cùng các đồng nghiệp vượt cả trăm cây số đến khám chữa bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Người giáo viên giàu sáng kiến

32 năm gắn bó với ngành Giáo dục, thầy Phạm Thành Ngọc, Phó Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Krông Búk đã không ngừng cố gắng, nỗ lực và có nhiều sáng kiến trong công tác, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Thầy Phạm Thành Ngọc trò chuyện với các giáo viên.     Ảnh Nguyễn Xuân
Thầy Phạm Thành Ngọc trò chuyện với các giáo viên. Ảnh Nguyễn Xuân

Trên địa bàn huyện Krông Búk có 42 trường mầm non, tiểu học và THCS, trong đó mới chỉ có 8 trường đạt chuẩn quốc gia. Nhiều trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất khó khăn, thiếu thốn, tỷ lệ học sinh yếu, học sinh bỏ học cao. Trăn trở trước thực trạng này, bên cạnh việc chỉ đạo trong công tác chuyên môn của ngành Giáo dục, thầy Ngọc đã viết sáng kiến kinh nghiệm “Những biện pháp hạn chế học sinh bỏ học” và hiện đang được các trường trên địa bàn áp dụng vào thực tế. Ngay từ đầu năm học, từng trường tổ chức cho học sinh ký cam kết không bỏ học có chữ ký của hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và học sinh nhằm nâng cao nhận thức cho chính gia đình và bản thân các em. Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm sẽ tăng cường bồi dưỡng cho học sinh yếu, phát động phong trào “Đôi bạn cùng tiến”, thường xuyên trò chuyện, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em có hoàn cảnh khó khăn. Khi học sinh nghỉ học từ 2 ngày trở lên, giáo viên chủ nhiệm sẽ đến tận nhà kiên trì vận động các em quay lại trường. Nhờ áp dụng sáng kiến kinh nghiệm trên, tỷ lệ học sinh bỏ học đã giảm từ 4,6% năm 2009 xuống còn 2,01% năm 2015.

Thực hiện phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, thầy Ngọc đã viết sáng kiến kinh nghiệm “Trang trí lớp học tích cực”. Trong đó, khuyến khích khả năng sáng tạo của giáo viên và học sinh trang trí lớp học thông qua việc hình thành các góc học tập, góc sinh nhật, cộng đồng, thư viện, thiên nhiên… Đây là nơi trưng bày các tư liệu hướng dẫn học tập, các đồ dùng, phiếu bài tập, tranh ảnh, các sản phẩm, kết quả học tập của học sinh, góp phần tạo hứng thú học tập và bổ trợ cho các em kiến thức thực tế của từng môn học.

Là người thích sưu tầm và đọc các câu chuyện kể về Bác, thầy Ngọc đã học được nhiều điều hay và áp dụng trong cuộc sống. Tâm đắc với câu chuyện “Thời giờ quý báu lắm”, thầy Ngọc lại càng cảm thấy mình cần nỗ lực hơn nữa để cùng với tập thể ngành Giáo dục huyện Krông Búk nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị để tăng số trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn.

Với những đóng góp của mình, thầy Ngọc đã được tặng thưởng nhiều Bằng khen, giấy khen và 3 lần được tuyên dương điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cấp huyện.            

Kim Oanh - Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.