Sân chơi bổ ích cho trẻ em ở Ea M'nang
Những năm qua, Câu lạc bộ bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng xã Ea M’nang (huyện Cư M’gar) đã thực sự trở thành một “sân chơi” để trẻ em thể hiện bản thân, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Qua đó giúp trẻ thêm tự tin, biết bảo vệ bản thân, góp phần xây dựng một môi trường sống an toàn, lành mạnh.
Đều đặn vào ngày 20 hằng tháng, 48 thành viên của Câu lạc bộ lại tập trung sinh hoạt tại hội trường thôn 1A. Để tránh sự nhàm chán, trước mỗi kỳ sinh hoạt, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ cùng hội ý, đưa ra chủ đề phù hợp với lứa tuổi, sở thích và sự quan tâm của các em. Qua đó, những vấn đề như: quyền và bổn phận của trẻ em; cách cư xử với bạn bè và mọi người xung quanh, chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; kỹ năng giao tiếp, từ chối sử dụng rượu bia, ma túy; cách phòng, tránh tai nạn thương tích; không xâm phạm tính mạng, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác… đã được truyền đạt, phổ biến đến các em một cách ngắn gọn, dễ hiểu. Để tăng phần sinh động, trong mỗi buổi sinh hoạt, Ban chủ nhiệm lồng ghép tổ chức các trò chơi dân gian hoặc đặt ra những tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống để các em nhập vai theo hình thức tiểu phẩm. Sau đó, các em sẽ thảo luận, nhận xét, đánh giá về diễn xuất, cách xử lý của từng nhóm và đưa ra kết luận cuối cùng. Chị Đoàn Thị Thiên Nga, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chia sẻ: “Cách làm trên đã giúp câu lạc bộ duy trì sinh hoạt đều đặn và thực sự trở thành “sân chơi” của các em. Qua từng buổi sinh hoạt, mỗi em không chỉ có thêm kiến thức, hiểu biết xã hội mà còn khám phá năng lực bản thân, hiểu được bạn bè xung quanh và sẵn sàng giúp đỡ nhau trong cuộc sống”.
Các thành viên nhóm trẻ nòng cốt của Câu lạc bộ bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng thăm hỏi, động viên trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn. |
Câu lạc bộ bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng xã Ea M’nang được thành lập năm 2012 với 25 thành viên, đến nay đã có 48 em tham gia sinh hoạt. Khi mới thành lập, Ban chủ nhiệm không chỉ vận động các em có thành tích tiêu biểu trong học tập và rèn luyện tham gia mà còn chú trọng “lôi kéo” cả những em nghịch ngợm, khó bảo, quậy phá nên hoạt động của câu lạc bộ gặp rất nhiều khó khăn, phần lớn các em đều chưa “mặn mà”, gắn kết với nhau. Vì vậy, Ban Chủ nhiệm đã lập ra nhóm trẻ nòng cốt gồm 10 em thuộc cả 2 đối tượng trên để cùng điều hành sinh hoạt câu lạc bộ. Em Nguyễn Gia Long, thành viên câu lạc bộ cho biết: “Trước đây em khá ngỗ ngược, thường bỏ học đi chơi điện tử. Từ khi được vận động tham gia câu lạc bộ và là thành viên nhóm trẻ nòng cốt, em hiểu ra rất nhiều điều, biết rõ quyền và bổn phận của mình, biết cách từ chối trước những lời rủ rê, lôi kéo của bạn bè để tập trung cho việc học”. Từ học sinh trung bình, Long vươn lên trở thành học sinh tiên tiến và là “hạt nhân” của nhóm. Em đã cùng các thành viên nhóm nòng cốt phát hiện nhiều trường hợp các em bỏ học đi chơi điện tử, bạo lực học đường, trộm cắp vặt, báo cho Ban chủ nhiệm phối hợp với nhà trường gặp gỡ, khuyên nhủ để các bạn nhận ra lỗi và sửa chữa.
Điều đáng nói, hoạt động của câu lạc bộ cũng đã góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Chẳng hạn như, vào đầu năm 2015, tại thôn 1A có trường hợp bé gái 5 tuổi bị một đối tượng (13 tuổi) ở gần nhà xâm hại. Khi bị người bác của bé phát hiện, hô hoán, đối tượng đã bỏ chạy. Để kịp thời giáo dục đối tượng trên, gia đình đã làm đơn gửi câu lạc bộ đề nghị can thiệp. Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ đã gặp cán bộ xã, phối hợp với công an tìm hiểu sự việc, lập biên bản, báo cáo các cơ quan chức năng xử lý, đưa đối tượng ở trường giáo dưỡng. Hay nhiều trường hợp điều khiển xe gắn máy tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi, gây gổ, đánh nhau… đã được các thành viên của câu lạc bộ phát hiện, báo ban tự quản thôn và chính quyền địa phương can thiệp, xử lý.
Theo đánh giá của ông Y Sa Phôn Niê Knơng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Câu lạc bộ bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng xã Ea M’nang là 1 trong những mô hình điểm do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo thành lập, hoạt động có hiệu quả, được chính quyền địa phương và người dân đánh giá cao. Thông qua hoạt động của câu lạc bộ đã góp phần giúp các em nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, trở thành con ngoan, trò giỏi, biết cách bảo vệ bản thân và phòng, tránh các nguy cơ bị tai nạn thương tích, xâm hại tình dục và bạo lực học đường.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc