Gia tăng tình trạng ly hôn trong giới trẻ ở TP. Buôn Ma Thuột
Trong những năm gần đây, tình trạng ly hôn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đang là vấn đề đáng báo động cả về số lượng cũng như hậu quả tiêu cực của nó để lại.
Ông Trần Duy Phương, Phó Chánh án TAND TP. Buôn Ma Thuột cho biết, hằng năm TAND TP. Buôn Ma Thuột thụ lý khoảng trên 2.500 án các loại, trong đó số lượng án hôn nhân và gia đình luôn chiếm từ 30-50%. Đơn cử như trong năm 2015 (tính từ ngày 1-10-2014 đến ngày 30-9-2015), Tòa thụ lý 1.200 án hôn nhân và gia đình, đã giải quyết 1.131 vụ việc. 5 tháng đầu năm 2016 (tính từ ngày 1-10-2015 đến hết tháng 3-2016) Tòa đã giải quyết 601 vụ/ 787 vụ án liên quan đến hôn nhân và gia đình. Điều đáng buồn là tình trạng ly hôn đang có xu hướng trẻ hóa (độ tuổi từ 25 đến 35), trong đó có trên 50% ly hôn khi mới kết hôn trong khoảng 5 năm.
Cán bộ TAND TP. Buôn Ma Thuột hướng dẫn thủ tục ly hôn cho người dân. |
Qua phân tích cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn mà một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tan vỡ hạnh phúc gia đình là vấn đề về kinh tế. Nhiều cặp vợ chồng trẻ sau khi lập gia đình phải tự lo cho mái ấm của mình trong khi điều kiện kinh tế chưa bảo đảm cho cuộc sống riêng hoặc chưa có nghề nghiệp ổn định. Cùng với đó là sinh con sớm, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Nỗi khốn khó đeo bám triền miên khiến vợ chồng sinh ra mâu thuẫn không thể tháo gỡ và kết cục là xin ly hôn. Thêm một lý do nữa là do quá trình phát triển về tâm sinh lý, giới trẻ thường yêu nhanh, cưới vội nên họ vẫn chưa tìm hiểu kỹ về nhau trước khi bước vào đời sống hôn nhân. Chính vì thế khi xảy ra mâu thuẫn rất dễ dẫn đến bạo lực gia đình và kết cục là hôn nhân đổ vỡ. Điển hình như trường hợp của anh Trịnh Viết T. và chị Bùi Thị Thu N. (cùng SN 1994, trú tại xã Hòa Thắng), tuy còn trẻ tuổi nhưng từ năm 2011, hai người đã “sống thử” và có 2 con cùng nhau. Năm 2013, hai người đủ tuổi nên mới đăng ký kết hôn, nhưng chỉ 2 năm sau đôi vợ chồng trẻ này đã kéo nhau ra tòa xin ly hôn…
Mặc dù với bất cứ lý do nào thì hậu quả của ly hôn để lại vẫn là rất lớn. Hôn nhân tan vỡ không chỉ ảnh hưởng đến gia đình, người thân mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Hệ lụy dễ nhận thấy nhất là những đứa con ngây thơ phải sống trong cảnh thiếu đi tình thương yêu và sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha hoặc mẹ. Điều này là một trong những nguyên nhân chính khiến cho trẻ không được giáo dục đầy đủ, dễ sa vào các tệ nạn xã hội.
Bàn về giải pháp để hạn chế án ly hôn, ông Phương cho rằng, điều cốt lõi là tìm ra được nguyên nhân dẫn đến ly hôn, từ đó mới tiến hành công tác hòa giải để các cặp vợ chồng có cơ hội đoàn tụ. Trong năm 2015, TAND TP. Buôn Ma Thuột đã tiến hành hòa giải được 691 vụ, năm 2016 giải quyết 359 vụ. Tuy nhiên, ông Phương cũng thừa nhận, vẫn còn rất khó khăn trong công tác xử lý án hôn nhân và gia đình. Bởi lẽ tình trạng án ly hôn quá nhiều trong khi đó các đương sự không chịu hợp tác với tòa trong việc tìm ra nguyên nhân. Chính vì vậy trong thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền các luật: Hôn nhân và gia đình, Bình đẳng giới, Chăm sóc, bảo vệ trẻ em, Phòng chống bạo lực gia đình..., TAND TP. Buôn Ma Thuột sẽ tích cực phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, tiến bộ nhằm giúp các thành viên trong gia đình xây dựng mối quan hệ tương hỗ, thân thiện, gần gũi hơn. Cùng với đó, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương cần chú trọng và nâng cao công tác hòa giải ở tại cơ sở để các cặp vợ chồng thông cảm, sẻ chia cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc.
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc