Multimedia Đọc Báo in

Hệ lụy của lối sống thực dụng trong nền kinh tế thị trường

10:57, 28/06/2016

Những tiêu cực xuất phát từ lối sống thực dụng trong nền kinh tế thị trường đã tạo nên nhiều hệ lụy trên quy mô toàn xã hội cũng như đối với từng cá nhân và gia đình. Một trong những hệ lụy là sự mai một đạo đức, nếp sống trong gia đình, dòng tộc.

Dưới tác động của kinh tế thị trường, những gia đình “tam đại đồng đường” có ba thế hệ ông bà, cha mẹ, con cái chung sống với nhau không còn nhiều. Xu hướng tự quyết định nghề nghiệp, tự quyết định hôn nhân, thích ra ở riêng ngay từ khi mới lập gia đình ngày càng trở nên phổ biến. Mỗi gia đình nhỏ luôn cố tìm cho mình một tổ ấm riêng và trong cái tổ ấm ấy, thành viên nào cũng cố tìm cho mình một không gian riêng. Với cách sống đó, quyền tự do cá nhân được tôn trọng, song mối quan hệ huyết thống lại dần dần bị phai nhạt. Bố mẹ, anh em, bà con họ hàng ít có dịp gặp nhau và gần như quanh năm chỉ là những câu thăm hỏi xã giao qua thư từ, điện thoại. Với cha mẹ già, nhiều nam nữ thanh niên đều cho rằng chỉ cần đóng góp tiền để phụng dưỡng là kể như đã tròn bổn phận của đạo làm con!

Lối sống thực dụng còn hình thành mốt tiêu dùng, sắm sửa cho gia đình và cá nhân một cách phung phí. Trước đây người ta trọng lối sống cần kiệm, đơn giản thì nay nhiều cá nhân và gia đình lại tiêu dùng sắm sửa theo phong trào, theo mốt của cuộc sống, sùng hàng ngoại. Cách nghĩ và lối sống đó không thích hợp với hiện trạng kinh tế gia đình họ lẫn truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam. Cách tiêu xài, lối sống buông thả, tự do, phóng túng kiểu thực dụng phương Tây thâm nhập vào nước ta qua con đường phim ảnh, băng đĩa nhập lậu, khách du lịch... đã dẫn đến lối sống ăn nhậu bê tha, quan hệ tình cảm bừa bãi, sống thiếu trách nhiệm với gia đình và xã hội ở một số người.

Lối sống thực dụng còn dẫn tới lối sống hám lợi. Người ta cố gắng làm giàu bằng mọi cách, thậm chí còn bất chấp cả luật pháp, đạo lý, tình nghĩa. Vì lợi nhuận, vì tiền bạc mà đã có không ít những gia đình trong đó cha mẹ, con cái, anh chị em cùng làm ăn bất chính hay lừa đảo, đẩy cả gia đình rơi vào bi kịch. Quan niệm có tiền là có tất cả đã khiến người ta quên mất rằng tiền bạc đâu có làm nên hạnh phúc gia đình. Quan niệm “tiền trao cháo múc", “đồng tiền đi trước đồng tiền khôn” cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc giáo dục các giá trị nhân văn, đạo lý truyền thống trong gia đình. Thêm vào đó là lối sống ích kỷ. Dẫu chưa phải đã đến mức trầm trọng, phổ biến, nhưng lối sống ích kỷ đã bắt đầu nảy sinh, xuất hiện trong một số gia đình. Việc nuông chiều con cái quá mức đã khiến không ít trẻ vị thành niên trở nên ích kỷ, không biết đến ai ngoài bản thân mình. Số trẻ ấy nếu không được quan tâm dạy dỗ tốt sẽ thiếu bản lĩnh khi bước vào đời, vì quen với lối sống ỷ lại, dựa dẫm và rất dễ phản kháng một khi nhu cầu của chúng không được đáp ứng. Trên thực tế, đã có không ít gia đình xung đột, thậm chí có khi tan vỡ bởi sự nuông chiều con cái không đúng mà bản thân họ vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân.

Trong thời điểm hiện nay, nền kinh tế thị trường đang có những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực đến từng cá nhân, gia đình, xã hội. Bình tĩnh, khách quan nhìn nhận, đánh giá để tiếp thu, học hỏi những điều tốt đồng thời loại bỏ, ngăn ngừa những cái xấu là vô cùng cần thiết để từ đó tiếp tục phát huy, bảo tồn những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống, gia đình trước vòng xoáy cuộc sống.

 TS. Trương Thông Tuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.