Multimedia Đọc Báo in

Lực lượng lao động nữ khẳng định vị thế trong tiến trình hội nhập

09:47, 27/06/2016

Thông qua phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, lực lượng nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) đã ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò của mình trong gia đình, xã hội.

Xung kích trên mọi lĩnh vực

Nhiều năm liền canh tác 2 sào ruộng, chăn nuôi thêm heo, gà nhưng thu nhập cũng chỉ đủ cho gia đình chị Lê Thị Nhuệ (thôn 3, xã Ea Kmút, huyện Ea Kar) đắp đổi qua ngày. Qua tìm hiểu thị trường và học hỏi mô hình ươm cây giống của bố mẹ, năm 2012, vợ chồng chị Nhuệ quyết định chuyển đổi hướng phát triển kinh tế. Sau vài lần thất bại, đến nay, các loại cây giống như núc nác, dâu da xoan, muồng đen, bông gòn, gỗ sưa, tiêu… ở vườn ươm của chị cho hiệu quả rõ rệt nên được bà con và thị trường chấp nhận. Tiếng lành đồn xa, nhiều nông dân ở các huyện khác trong tỉnh và các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum đã tìm đến tận nơi mua cây giống của chị. Nhờ vậy, vườn ươm của chị đã tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với thu nhập ổn định khoảng 4 triệu đồng/người/tháng, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 500.000 cây giống các loại.

Nhận thấy việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa người học là cần thiết, khắc phục tình trạng đọc – chép, cô Nguyễn Hồng Phương, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Lê Hữu Trác (huyện Cư M’gar) đã trăn trở và dành nhiều thời gian, tâm huyết viết sáng kiến kinh nghiệm “Phát huy tính tích cực của học sinh trong dạy học phần lịch sử Việt Nam từ 1919 – 1945 ở trường THPT” và đã được Sở Giáo dục – Đào tạo công nhận sáng kiến kinh nghiệm. Theo sáng kiến trên, cô Phương đã soạn một hệ thống câu hỏi gợi mở kiến thức, các sự kiện lịch sử trong giai đoạn 1919 – 1945 làm căn cứ cho học sinh tự đọc sách, tham khảo trước nội dung bài học, tìm đáp án để cùng thảo luận, trả lời câu hỏi tại lớp. Nhờ cách làm này, học sinh đã tiếp thu bài nhanh và nhớ lâu hơn, chất lượng môn học Lịch sử của trường được nâng lên.

Chị Lê Thị Nhuệ (bìa trái) truyền đạt kinh nghiệm ươm, chăm sóc cây giống  cho lao động địa phương.
Chị Lê Thị Nhuệ (bìa trái) truyền đạt kinh nghiệm ươm, chăm sóc cây giống cho lao động địa phương.

Để chăm sóc và khai thác tốt hơn 2 ha cao su, chị H’Diên Niê, công nhân Nông trường Cao su Cuôr Đăng (Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk) đã không ngừng học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp, tìm tòi, cập nhật kiến thức mới về kỹ thuật khai thác mủ cao su qua phương tiện truyền thông và các lớp tập huấn kỹ thuật. Với nỗ lực đó, tay nghề của chị ngày càng tiến bộ, được công nhận đạt loại giỏi nhiều năm liền, sản lượng khai thác mủ luôn đạt từ 115-130%.

Nỗ lực khẳng định vị thế

Toàn tỉnh hiện có trên 43.000 nữ CNVCLĐ, chiếm 51,8% tổng số CNVCLĐ. Thực hiện phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, lực lượng nữ CNVCLĐ đều nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn vươn lên khẳng định mình. Lao động nữ ở các doanh nghiệp đã tích cực trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thực hành tiết kiệm, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nữ CNVCLĐ ngành Y đã nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, thực hiện tốt 12 điều quy định về y đức. Ở lĩnh vực giáo dục - đào tạo, đội ngũ nữ cán bộ, giáo viên đã không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chú trọng sử dụng công nghệ thông tin, áp dụng các sáng kiến kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Trong lĩnh vực công tác ở các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, nữ cán bộ, công chức, viên chức, lao động luôn chủ động học hỏi, nâng cao trình độ; thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Cuộc vận động xây dựng người cán bộ công chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”… Bên cạnh đó, chị em đã thể hiện vai trò nòng cốt trong xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống của gia đình. Nhiều chị đã nỗ lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn, tích cực phát triển kinh tế, dành nhiều thời gian, công sức và tình yêu thương để chăm sóc, dạy dỗ con cái chăm ngoan, học giỏi, thành đạt.

Lao động nữ Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên làm chủ dây chuyền sản xuất tiên tiến
Lao động nữ Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên làm chủ dây chuyền sản xuất tiên tiến

Qua 5 năm (2010-2015) thực hiện phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, toàn tỉnh đã có trên 19.000 sáng kiến kinh nghiệm, gần 150 đề tài khoa học của nữ CNVCLĐ được áp dụng vào quá trình công tác, sản xuất, quản lý kinh tế, cải cách hành chính, có giá trị làm lợi hàng chục tỷ đồng. Trên 17.000 lượt chị đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp; trên 90.000 lượt chị đạt danh hiệu Lao động tiên tiến; trên 85% nữ CNVCLĐ được công nhận danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Chất lượng lao động nữ ngày càng được nâng cao, lao động nữ có trình độ sau đại học chiếm 1,01%; cao đẳng, đại học chiếm trên 48%; tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng, HĐND, chính quyền, đoàn thể các cấp ngày càng tăng.

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Võ Thị Hạnh khẳng định: “Qua phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, vai trò của nữ CNVCLĐ trong gia đình và ngoài xã hội ngày càng được thể hiện rõ nét. Từ đó, khẳng định năng lực, vị thế và sự trưởng thành, đóng góp của đội ngũ nữ CNVCLĐ trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước”.

 Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.