Multimedia Đọc Báo in

Phòng, chống đuối nước ở trẻ em: Cần lộ trình phù hợp (Kỳ cuối)

09:33, 10/06/2016

[links(left)]

Kỳ cuối: Nâng cao ý thức bảo vệ chính mình

Chỉ đạo mới nhất của Bộ Giáo dục – Đào tạo về công tác chủ động phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh trong kỳ nghỉ hè năm 2016 là phối hợp tổ chức dạy bơi cho trẻ. Như vậy, việc quan trọng trước hết vẫn là dạy bơi nhưng các ngành, địa phương triển khai như thế nào khi nguồn lực cho hoạt động này vừa thiếu vừa yếu?

Kế hoạch phổ cập bơi cho trẻ… chìm nghỉm!

Những kế hoạch phổ cập bơi cho trẻ em theo Chương trình quốc gia phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2013-2015 đến nay đều đã… chìm nghỉm. Theo đó, mục tiêu Chương trình đề ra là đến năm 2015 giảm 15% số trẻ bị tử vong do đuối nước so với năm 2010; có ít nhất 50% số trẻ em lứa tuổi tiểu học và 70% số trẻ em lứa tuổi trung học cơ sở biết bơi và có kỹ năng tự cứu đuối nhưng không đạt được. Nguyên nhân được đánh giá là nguồn lực (cả nhân lực, vật lực, tài lực) cho hoạt động này vừa thiếu vừa yếu.

      Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) tổ chức vui chơi  dã ngoại tại  Công viên nước Đắk Lắk nhằm trang bị  kỹ năng sống cho học sinh.
Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) tổ chức vui chơi dã ngoại tại Công viên nước Đắk Lắk nhằm trang bị kỹ năng sống cho học sinh.

Hiện nay số điểm bơi lội có đủ điều kiện dạy bơi còn quá ít, tập trung chủ yếu ở địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, còn lại rải rác ở khu vực trung tâm các huyện Ea Kar, Krông Pắc, thị xã Buôn Hồ với quy mô khá nhỏ. Việc dạy học bơi chủ yếu mang tính tự phát chứ chưa được tổ chức bài bản, thống nhất. Trừ hồ bơi Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh được Nhà nước đầu tư theo quy chuẩn, thường mở nhiều lớp dạy bơi vào dịp hè, còn lại chủ yếu do tư nhân đầu tư, quản lý, mỗi nơi có một cách thức dạy bơi với mức học phí khác nhau. Còn ở khu vực nông thôn tuy có nhiều ao hồ, sông suối tự nhiên nhưng tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn nên cũng không thể làm nơi dạy bơi cho trẻ được.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho hoạt động này đang thiếu trầm trọng. Khâu đào tạo giáo viên thể dục còn thiên về lý thuyết, giáo viên không thành thạo kỹ năng thực hành, nhất là với bộ môn bơi lội. Chương trình phổ cập bơi lội cho học sinh giai đoạn 2011 – 2015 của Bộ Giáo dục - Đào tạo chỉ mới dừng ở mức tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em, mở lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ dạy bơi, cứu hộ đuối nước cho đội ngũ giáo viên thể dục. Các trường học hầu như chưa có hồ bơi, mà việc liên kết với các hồ để dạy bơi cho trẻ khá phức tạp nên rất ít trường thực hiện. Kinh phí triển khai chương trình dạy bơi của tỉnh đã ít ỏi, lại còn “teo tóp” dần: trong 2 năm 2011 và 2012, mỗi năm được cấp 40 triệu đồng, từ năm 2013 đến nay gộp chung trong kinh phí phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em và công tác Bảo vệ chăm sóc trẻ em nói chung với nhiều hoạt động cần triển khai ngay nên không còn kinh phí dạy bơi cho trẻ. Do đó, số trẻ được học bơi và biết bơi còn quá ít. Trong chuyến tìm hiểu tình trạng đuối nước trẻ em ở xã Ea Hiu và Ea Kuăng (huyện Krông Pắc), qua lắng nghe ý kiến người dân chúng tôi nhận thấy phụ huynh cũng rất quan tâm về điều này nhưng “lực bất tòng tâm”, hơn nữa muốn cho con học bơi cũng chịu vì trên địa bàn xã không có hồ bơi, điểm dạy bơi nào cả.

Cần sự quan tâm, đầu tư đúng mức

Trong Chương trình quốc gia phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020, nội dung đẩy mạnh hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em là vấn đề “đau đầu” với các địa phương, các ngành liên quan. Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc thẳng thắn nhìn nhận: “Muốn xây dựng thí điểm mô hình dạy bơi trong các trường học, trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em thì trước hết các trường phải được đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng. Nhưng trên thực tế, cơ sở vật chất trường lớp còn khá ngổn ngang, vẫn còn tình trạng phòng học tạm, lớp ghép thì nhiệm vụ này khó khả thi. Tại khu vực trung tâm huyện mới xây dựng và đưa vào sử dụng 1 hồ bơi của tư nhân nhưng việc phối hợp dạy bơi cũng khó vì liên quan đến việc di chuyển, giờ giấc học tập của học sinh”. Đồng tình quan điểm này, thầy Nguyễn Đình Phong, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ (xã Ea Kuăng, huyện Krông Pắc) cho rằng: “Ở vùng nông thôn tuy trường có diện tích để xây dựng hồ bơi nhưng lại vướng ở khâu kinh phí xây dựng, vận hành hoạt động của hồ”.

Hồ bơi Quý Sơn là một trong những hồ bơi tư nhân hiếm hoi trên địa bàn huyện Krông Pắc
Hồ bơi Quý Sơn là một trong những hồ bơi tư nhân hiếm hoi trên địa bàn huyện Krông Pắc

Theo ông Y Sa Phôn Niê Knơng, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, phải có tầm nhìn chiến lược, thực hiện kế hoạch dài hơi trong việc phòng chống đuối nước trẻ em. UBND tỉnh cần có văn bản chỉ đạo cụ thể, đề nghị những địa phương có điều kiện về nhân lực, vật lực triển khai trước việc xây dựng hồ bơi, chú trọng sự phối hợp chặt chẽ của ngành Giáo dục và LĐTBXH, thực hiện chủ trương xã hội hóa xây dựng bể bơi, sau đó nhân rộng ra. Những xã vùng sâu, vùng xa thì trước mắt chú trọng trang bị cho trẻ kỹ năng phòng chống đuối nước, sơ cứu…

Đã có rất nhiều giải pháp đưa ra và cần lộ trình thực hiện cụ thể phù hợp tình hình thực tế. Nhưng trước hết, cần chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức và kỹ năng cho trẻ, áp dụng phương pháp “trực quan sinh động” bằng cách kể những câu chuyện về trẻ em chết đuối để các em thấy sợ và rút kinh nghiệm cho bản thân mình; trang bị kỹ năng nhận diện nguy cơ đuối nước, biết áp dụng kỹ năng an toàn trong môi trường nước và chủ động ứng phó khi gặp tình huống nguy cấp nhằm bảo vệ an toàn cho mình cũng như cho người khác. Việc xây dựng rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm ở những nơi nước sâu là điều cần thiết, nhưng rõ ràng không có biển cảnh báo nào thay được ý thức tự bảo vệ mình của chính các em.

N.Hoa – N.Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.